Báo cáo của Sở KH-ĐT tại hội nghị tổng kết tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM năm 2022 vừa diễn ra cho thấy, địa phương này tồn tại nhiều dự án có vướng mắc, chậm giải ngân vốn đầu tư công và phải chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025. Thực tế, tổng số dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước (2016-2020) là 3.361 dự án, với tổng số vốn chuyển tiếp là hơn 186.000 tỷ đồng.

Đây hầu hết là các dự án gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân, thậm chí đã kéo dài qua nhiều giai đoạn nên không thể hoàn thành trong giai đoạn trước. Vì vậy, việc hấp thụ vốn của các dự án này trong trung hạn, gần đây nhất là kế hoạch vốn năm 2022, là hết sức khó khăn. Trong khi đó, thành phố còn rất nhiều dự án có khả năng giải ngân, có thể triển khai sớm nhưng không thể bố trí vốn do đã phân bổ hết kế hoạch đầu tư công trung hạn. 

Đây chính là nguyên nhân dẫn tới nghịch lý có tiền nhưng không tiêu được, dự án cần thì lại không được bố trí vốn trong khi dự án được bố trí thì lại không thể giải ngân, theo Sở KH-ĐT thành phố.

Cầu Nam Lý (TP. Thủ Đức) khởi công xây dựng từ 10/2016 nhưng mãi không hoàn thành, gây kẹt xe nghiêm trọng. (Ảnh minh họa: Trần Chung)

Sở KH-ĐT TP.HCM đánh giá, kết quả giải ngân đầu tư công trong năm 2022 chưa đạt như kỳ vọng, tỷ lệ giải ngân vốn giữa các tháng không đồng đều, vốn giải ngân chủ yếu dồn vào các tháng cuối năm; các chủ đầu tư chưa thực hiện đúng theo kế hoạch giải ngân đã báo cáo. 

Thống kê số liệu vốn dự kiến chưa giải ngân được trong năm 2022 tương đối cao gồm lĩnh vực:

Giao thông có 2.715/15.116,261 tỷ đồng vốn chưa thể giải ngân trong năm 2022 (chiếm 18% tổng số vốn đã giao) thuộc các dự án do Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình giao thông và Ban Quản lý đường sắt đô thị làm chủ đầu tư.

Môi trường với số vốn là 1.444/3.961,670 tỷ đồng chưa thể giải ngân trong năm 2022 (chiếm 36,5%) thuộc các dự án chủ yếu do Ban Quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị làm chủ đầu tư. 

Trong các quận, huyện, thành phố thì huyện Nhà Bè có 220/544 tỷ đồng chưa thể giải ngân (chiếm tỷ lệ 40,5%); quận Tân Bình có 339/801 tỷ đồng chưa thể giải ngân (chiếm tỷ lệ 24,8%); huyện Bình Chánh có 215/833 tỷ đồng chưa thể giải ngân (chiếm tỷ lệ 15,6%); quận Bình Thạnh là 56/169 tỷ đồng chưa thể giải ngân (chiếm tỷ lệ 33%).

Như vậy, dự kiến tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm 2022 của TP.HCM đạt khoảng 86% tổng số vốn giao. Sở KH-ĐT đánh giá, kết quả trên chưa đạt được như kỳ vọng nhưng so với cùng kỳ thì số vốn đã giải ngân năm qua đã cao hơn gấp 1,6 lần (năm 2022 là gần 32.219 tỷ đồng, năm 2021 là hơn 19.721 tỷ đồng); tỷ lệ giải ngân cũng tăng 24,9% so với năm 2021 (năm 2022 tỷ lệ 80%, năm 2021 tỷ lệ 61,1%). 

Mức vốn kế hoạch đầu tư công của TP.HCM kỳ vọng phân bổ trong năm 2023 là hơn 70.000 tỷ đồng, con số này cao gần gấp đôi so với mức vốn đầu tư công đã thực hiện năm 2022. 

Triệu tỷ rót vào đầu tư công: Chậm ngày nào lãng phí ngày đóĐầu tư công là một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng. Mỗi công trình hạ tầng được đầu tư còn có tác động lan tỏa đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội. Vì thế, nâng cao hiệu quả đầu tư công là con đường tất yếu để thúc đẩy tăng trưởng.