Chính phủ đề xuất cho TP.HCM được sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách và chi thu nhập tăng thêm.
Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Chính phủ cho biết, dự thảo Nghị quyết tập trung vào 7 nhóm cơ chế, chính sách (từ Điều 4 đến Điều 100). Xét về tính mới và kế thừa, dự thảo Nghị quyết gồm 4 nhóm cơ chế, chính sách.
Có cơ chế thu hút và giữ chân nguồn nhân lực cho khoa học công nghệ
Nhóm 1 có 7 cơ chế chính sách được kế thừa từ Nghị quyết số 54. Trong đó có cơ chế, thành phố được sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách và chi thu nhập tăng thêm.
HĐND thành phố quyết định bố trí ngân sách để chi thu nhập bình quân tăng thêm với mức không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ; bảo đảm không vượt mức tối đa 0,8 lần quỹ lương cơ bản theo quy định Nghị quyết số 27/2018 của Ban Chấp hành Trung ương. Quy định này được thực hiện cho đến khi cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định chế độ tiền lương mới.
Thành phố được chuyển một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố cho các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND Thành phố, UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức.
Ngoài ra, thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí; được bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương với mức không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố...
Nhóm 2 có 4 cơ chế, chính sách được quy định tại các Nghị quyết đặc thù của những địa phương khác.
Trong đó, quy định thành phố chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phân cấp thành phố phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật.
Ngoài ra, dự thảo cũng cho cơ chế thành phố được quy định về các chính sách thu hút và giữ chân nguồn nhân lực cho khoa học công nghệ.
Nhóm 3 có 6 cơ chế, chính sách được quy định tại các dự thảo Luật đang trình Quốc hội cho ý kiến.
Trong đó, dự thảo nghị quyết đưa ra nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến đất đai. Chẳng hạn như thành phố được xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn để áp dụng tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
TP.HCM được quy định nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi hoặc bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở, được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi…
Lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà trụ sở hành chính
Nhóm 4 có 27 cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa. Trong đó có nhiều cơ chế chính sách liên quan đến tổ chức, bộ máy.
Cụ thể như thành phố được thành lập Sở An toàn thực phẩm trên cơ sở chuyển chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn từ các sở liên quan cho sở này.
Hay như việc TP.HCM được quy định số lượng cấp phó của UBND Thành phố và UBND phường, xã, thị trấn, tăng cường tính chủ động và bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế; quy định việc bầu, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường thực hiện theo quy định như cán bộ, công chức cấp huyện trở lên.
Thành phố được quyết định cơ cấu số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn; quyết định số lượng, chức danh, chế độ chính sách của người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn, bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy.
Ngoài ra, thành phố được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập; quy định việc HĐND TP.HCM thành lập một số ban, phòng ban, Văn phòng thuộc thành phố Thủ Đức.
HĐND thành phố Thủ Đức quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy, số lượng biên chế của HĐND và UBND thành phố Thủ Đức.
Ngoài ra, dự thảo nghị quyết cũng cho phép thành phố sử dụng mái nhà trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công của các cơ quan trên địa bàn để lắp đặt hệ thống điện mặt trời cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của trụ sở.
Dự kiến QUỐC HỘI SẼ thông qua vào 24/6
Theo chương trình, sáng 26/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra nội dung này.
Dự thảo nghị quyết này sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ vào chiều 30/5, thảo luận tại hội trường vào sáng 8/6 và dự kiến biểu quyết thông qua vào sáng 24/6.
Bộ Nội vụ đang xây dựng bảng lương mới để thực hiện lộ trình cải cách tiền lương với mục tiêu “bảo đảm đời sống của người hưởng lương và gia đình người hưởng lương, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”.
Chính phủ cam kết phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để không dám tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức.
Bộ Nội vụ đề xuất xây dựng phương án triển khai đồng bộ các nội dung của chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27 về cải cách tiền lương sau năm 2023.