Công nhân thuê trọ được hỗ trợ chi phí điện, nước
Tại Hội nghị tổng kết tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 do UBND TP.HCM tổ chức mới đây, Sở Xây dựng Thành phố đã gửi báo cáo về thực trạng và giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân trên địa bàn.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, công nhân trên địa bàn Thành phố hiện đang lưu trú chủ yếu trong hai loại nhà, đó là: Nhà ở riêng lẻ do người dân xây dựng cho thuê và nhà lưu trú do doanh nghiệp đầu tư xây dựng.
Hiện TP.HCM có 3 khu công nghiệp (KCN) tập trung (17 khu chế xuất, KCN; 16 cụm công nghiệp và 1 khu công nghệ cao) với hơn 1.570 doanh nghiệp hoạt động. Tại những nơi này có khoảng 400.000 công nhân đang làm việc.
Có khoảng 70% công nhân trong đó cư trú tại các địa phương khác và có nhu cầu về chỗ ở. Số còn lại đang ở trong các nhà trọ do người dân xây dựng để cho thuê.
Khảo sát của Sở Xây dựng, đến cuối năm 2021, TP.HCM có khoảng 60.470 nhà trọ do người dân xây dựng cho thuê, đáp ứng 1.650.000 chỗ ở. Chủ yếu có 2 loại hình là dãy phòng cho thuê độc lập và nhà ở riêng lẻ ngăn chia từng phòng để cho thuê.
Để tăng nguồn cung nhà trọ, Sở Xây dựng đã đề xuất và được UBND TP.HCM chấp thuận các chính sách hỗ trợ và quản lý đối với nhà trọ do tổ chức hoặc hộ gia đình, cá nhân xây dựng cho công nhân, người lao động thuê.
Cụ thể, TP.HCM sẽ ban hành gói hỗ trợ lãi suất cho chủ nhà trọ khi vay vốn ngân hàng thương mại. Hỗ trợ chi phí điện, nước sinh hoạt cho người thuê trọ theo chính sách của Thành phố.
Đẩy nhanh 4 dự án nhà lưu trú công nhân
Tính đến năm 2022, TP.HCM có 34 dự án nhà lưu trú công nhân được doanh nghiệp đầu tư, xây dựng hoàn thành. Các dự án này nằm gần các khu chế xuất, KCN, với tổng quy mô 15,72ha, tương ứng 5.514 phòng. Dù đã giải quyết gần 40.000 chỗ ở nhưng mới chỉ đáp ứng được 14,3% nhu cầu.
Hiện TP.HCM có 6 khu đất phát triển nhà lưu trú công nhân với quy mô 7,8ha, cung ứng 5.500 phòng và đáp ứng 22.000 chỗ ở.
Theo Sở Xây dựng, trong năm 2023, đơn vị sẽ sẽ tập trung rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư 4 dự án nhà lưu trú công nhân, gồm:
Nhà lưu trú công nhân Khu Chế xuất Tân Thuận, Q.7 do Công ty TNHH Tân Thuận mời gọi đầu tư. Dự án này có quy mô 11.263m2, 900 phòng, đáp ứng 3.600 chỗ ở;
Giai đoạn 2 nhà lưu trú công nhân Khu Chế xuất Linh Trung, TP.Thủ Đức do Công ty CP Đầu tư xây dựng thương mại – dịch vụ Thiên Phát làm chủ đầu tư. Dự án dự kiến cung ứng 360 phòng, đáp ứng 1.440 chỗ ở;
Nhà lưu trú công nhân tại số 3, đường số 12, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức do Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng làm chủ đầu tư. Dự án cung ứng 600 phòng, đáp ứng 2.400 chỗ ở;
Nhà lưu trú công nhân tại P.Tân Tạo, Q.Bình Tân do Công ty TNHH PouYuen Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án dự kiến cung ứng 1.268 phòng, đáp ứng 5.072 chỗ ở.
Để phát triển nhà lưu trú công nhân, theo Sở Xây dựng TP.HCM, cần có một số giải như: Sử dụng và bổ sung quỹ đất quy hoạch chức năng thương mại dịch vụ trong các KCN, khu chế xuất để xây nhà lưu trú công nhân;
Cho vay dài hạn từ 10 năm trở lên với dự án xây nhà lưu trú công nhân; có cơ chế doanh nghiệp sử dụng lao động phải đóng góp lợi tức để tạo quỹ xây nhà lưu trú công nhân…