Bảng xếp hạng Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2022, do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) công bố ngày 16/12, cho thấy, năm qua, TP.HCM dẫn đầu với 90,6 điểm; đứng thứ hai là Hà Nội với 85,9 điểm (kém TP.HCM 4,7 điểm); đứng thứ ba trong bảng xếp hạng là Đà Nẵng với 33,6 điểm. Dù xếp thứ hạng liền sát nhưng địa phương này cũng có khoảng cách xa so với Hà Nội và TP.HCM.
Ở chiều ngược lại, 3 địa phương có điểm số thấp nhất, đứng cuối bảng xếp hạng là Kon Tum (10,7 điểm); Hòa Bình (10,7 điểm); Tuyên Quang (9,3 điểm). Như vậy, nhóm cuối bảng đang cách biệt tới 80 điểm so với hai địa phương dẫn đầu.
Chỉ số Thương mại điện tử trên được tổng hợp từ ba chỉ số thành phần, gồm: nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin; giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C); giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp (B2B). Với cả ba chỉ số thành phần nêu trên thì điểm số của TP.HCM và Hà Nội vẫn luôn cao nhất trong bảng xếp hạng.
Theo Vecom, điểm trung bình của chỉ số năm 2022 nay là 20,4. Năm nay, có 7 tỉnh không xếp hạng là Bạc Liêu, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, Sóc Trăng và Sơn La. Từ bảng xếp hạng có thể thấy, vẫn còn khoảng cách rất lớn giữa hai đầu kinh tế Hà Nội và TP.HCM so với các tỉnh thành còn lại.
Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam Trần Văn Trọng cho hay, các cơ quan quản lý nhà nước như Sở Công Thương, Sở TT&TT, Sở KH-ĐT có thể đề xuất các hoạt động thuộc phạm vi quản lý của mình để thúc đẩy từng chỉ tiêu thành phần trong chỉ số chung, qua đó góp phần đẩy mạnh thương mại điện tử địa phương.
Mặt khác, sự phát triển nhanh của thương mại điện tử phụ thuộc rất lớn vào khả năng hút vốn đầu tư vào các nền tảng trong hệ sinh thái kinh doanh trực tuyến cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Vecom tiếp tục đề xuất các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp quan tâm hỗ trợ các địa phương thu hẹp khoảng cách số nói chung và thương mại điện tử nói riêng”, ông Trọng nói.
Trao đổi với phóng viên bên lề "Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đồng hành Chuyển đổi số Công Thương" sáng 16/12 tại TP.HCM, bà Nguyễn Thúy Anh, Trưởng phòng Kinh tế số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, đề án xây dựng chuyển đổi số của ngành Công Thương không chỉ tập trung ở Hà Nội, TP.HCM mà còn ở 63 tỉnh/thành.
Những đơn vị đồng hành sẽ cùng cơ quan quản lý nhà nước đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp ở các tỉnh/ thành; phối hợp với Sở, ngành để thiết kế các chương trình tối ưu, giúp doanh nghiệp địa phương từng bước tiếp cận lộ trình chuyển đổi số, làm quen với thương mại điện tử.