Bốn tháng sau khi đề cập tình hình Biển Đông trong một tuyên bố chung, Ấn Độ và Mỹ đã ra tuyên bố mang tên Tầm nhìn chiến lược chung về các khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Giới phân tích cho rằng, động thái này sẽ khiến Bắc Kinh “không mấy thích thú”.
Sau cuộc gặp song phương đầu tiên tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đưa ra tuyên bố chung thể hiện sự quan ngại về “những căng thẳng gia tăng xung quanh tranh chấp lãnh thổ hàng hải” trong khu vực.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: Getty Images |
Tuyên bố Tầm nhìn chiến lược chung hôm qua cũng khẳng định điều tương tự, khi nhấn mạnh rằng, thịnh vượng khu vực phụ thuộc vào an ninh. "Chúng tôi khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh hàng hải, đảm bảo tự do hàng hải và hàng không trong suốt khu vực, nhất là ở Biển Đông”, tuyên bố cho biết.
"Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, theo đuổi cách giải quyết tranh chấp lãnh thổ và hàng hải thông qua mọi biện pháp hòa bình, phù hợp với những nguyên tắc đã được luật pháp quốc tế công nhận, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển”, tuyên bố nhấn mạnh.
Tuyên bố chung cho biết, chính sách hành động phía Đông của Ấn Độ và chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở châu Á cung cấp nhiều cơ hội để Ấn Độ, Mỹ và các nước châu Á - Thái Bình Dương khác làm việc chặt chẽ để tăng cường quan hệ trong khu vực.
Lãnh đạo Mỹ, Ấn còn hoan nghênh việc tổ chức các cuộc thảo luận ba bên lần thứ sáu giữa Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản vào tháng 12/2014 để thúc đẩy sự tham gia của các nước vào những vấn đề khu vực.
Đúng như dự đoán của giới phân tích, ngay trong hôm nay, TQ lập tức nói về Tầm nhìn chiến lược chung mà Mỹ-Ấn đưa ra hôm qua. Bộ Ngoại giao TQ cho rằng, họ tin là Mỹ-Ấn không cần phải lo lắng về tình hình hàng không, hàng hải ở vùng tranh chấp Biển Đông. Nước này đưa ra tuyên bố như bao lần trước rằng, “các tranh chấp có liên quan cần được giải quyết giữa các bên có liên quan trực tiếp”.
Theo giới phân tích, trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, TQ luôn thiên về cách giải quyết song phương với các nước có tuyên bố chủ quyền. Đây là chiến thuật “chia để trị” khi TQ có được lợi thế nước lớn trên bàn đàm phán với các nước nhỏ hơn trong khu vực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Oánh nói: "Trong giai đoạn hiện nay, tình hình ở Biển Đông nói chung ổn định và không có vấn đề gì với tự do hàng hải, hàng không. Các quốc gia bên ngoài khu vực có thể đóng vai trò xây dựng và cùng nhau giữ gìn ổn định ở Biển Đông”.
Thái An (theo Timesofindia, Indiatoday)