15 nhà văn, nhà thơ viết cho thiếu nhi đến từ các tỉnh, thành trong cả nước cùng 6 nhà văn viết cho thiếu nhi của Phú Yên đã tham dự trại sáng tác. Bên cạnh nhiều tác giả đã viết cho trẻ em từ rất lâu như nhà văn Trung Trung Đỉnh, Thái Chí Thanh, Trần Quốc Toàn, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc… còn có những gương mặt trẻ như nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa, Võ Thu Hương…  

batch_ddfaade5eab2b516eb4fa4.jpg
Nhà văn Lê Luynh phát biểu tại lễ bế mạc. 

Tham dự buổi lễ tổng kết, ngoài 20 trại viên chính thức còn có các nhạc sĩ, các nhà nghiên cứu lý luận phê bình tham gia. Ngoài việc đánh giá chất lượng tác phẩm của trại viết, những người tham dự tiếp tục chia sẻ, quan tâm tới việc làm sao để văn học chạm đến tâm hồn thiếu nhi và được các em yêu thích, đón nhận. 

Trong 10 ngày diễn ra trại sáng tác, các nhà văn, nhà thơ đã sáng tác, hoàn thiện bản thảo 3 tập thơ, 1 tập tản văn, 2 tập truyện dài, 1 tập truyện ngắn, 1 tiểu thuyết, 1 tập kịch bản ca cảnh, 5 truyện đồng thoại, gần 20 truyện ngắn, gần 50 bài thơ, 1 chương trong vở kịch hát, viết ca từ (lời thơ) cho hợp xướng về Phú Yên... Tuy thời gian tổ chức không dài nhưng trại sáng tác đã bội thu tác phẩm.

Trong khuôn khổ của buổi tổng kết, các tác giả chia sẻ quan điểm về cách tìm điểm tựa, tâm thế của người sáng tác mang đến kinh nghiệm cho các “bạn văn” có cách nhập vai sao cho gần gũi với thiếu nhi. Ngoài ra, những nhà lý luận phê bình cũng góp phần giúp các nhà văn định vị cá nhân rõ hơn trong dòng chảy văn học hiện tại.

Bên cạnh những trao đổi về chuyên môn, nhiều ý kiến đóng góp của các trại viên cũng gợi mở giúp Hội đồng Văn học Thiếu nhi nhiều hoạt động hiệu quả trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi tổng kết, NSND Cao Hữu Nhạc - nguyên Giám đốc Nhà hát Sao Biển bày tỏ: “Tôi nghĩ dù là nhạc sĩ, kiến trúc sư hay họa sĩ… thì đều cần có văn học. Văn học là cái nền ban đầu để nghệ thuật cất cánh. Với âm nhạc thì thơ ca càng đặc biệt quan trọng. Cá nhân tôi ở đâu có các sự kiện văn học nghệ thuật mà hay thì tôi luôn sẵn sàng và muốn được tham dự”.

batch_ddc3dd2434b46f1031497e.jpg
Các nhà văn, nhà thơ đi thực tế, thăm Di tích Bến tàu Không số ở Vũng Rô. 

Từ nhiều ý kiến, Hội đồng Văn học Thiếu nhi đã phác thảo hướng hoạt động ở những trại sáng tác mới có sự phối hợp của các lĩnh vực sáng tác văn học, âm nhạc và lý luận phê bình văn học. Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức trại sáng tác văn học dành cho những cây bút nhí - nơi nhà văn và các cây viết nhỏ tuổi có sự học hỏi, lắng nghe và kết nối cùng nhau.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định văn học là loại hình nghệ thuật kéo con người đi về ánh sáng của những điều thiện bằng cách gỡ bỏ dần bóng tối như sự tàn ác, thói ích kỷ, tham lam để xây dựng một nhân cách, đời sống cao đẹp hơn.

"Vì thế ở góc cạnh nào đó, tôi nghĩ văn học cũng mang tính giáo dục và điều này quan trọng đối với văn học thiếu nhi. Bởi vì qua những tác phẩm, chúng ta tạo sự khơi mở và thấu hiểu, giúp cho các em thấu hiểu thế giới; từ thấu hiểu sẽ có sự thông cảm và tình yêu thương con người nói chung", nhà văn phát biểu.

Ảnh: BTC