Trước tình trạng nhiều chuyến bay phải vòng chờ hạ cánh kéo dài đến 40 phút, nhiều độc giả đặt câu hỏi, việc này có đảm bảo an toàn hay không? Thời gian bay chờ được quy định tối đa trong bao lâu?
Giải đáp những băn khoăn này, ông Phạm Ngọc Sáu, nguyên Giám đốc cảng hàng không quốc tế Vân Đồn cho biết: Thời gian bay chờ không giới hạn trong bao lâu mà phụ thuộc vào lượng nhiên liệu dự phòng và quyết định của cơ trưởng.
Nhiên liệu dự phòng sẽ được cơ trưởng tính toán và đổ từ đầu sân bay đi. Ông Sáu cho biết, số nhiên liệu sẽ được tính toán dựa trên một loạt căn cứ.
Cụ thể:
Trip Fuel: Đây là lượng nhiên liệu cần thiết để máy bay chạy đà, cất cánh, nâng độ cao, bay và hạ cánh xuống sân bay đến.
Diversion fuel: Nhiên liệu chuyển hướng đến sân bay dự bị.
Reserve fuel: Nhiên liệu bổ sung và nhiên liệu dự phòng.
Contingency fuel: Nhiên liệu dự phòng cho những trường hợp phát sinh ngẫu nhiên khi máy bay đang bay tầm cao.
Additional fuel: Nhiên liệu bổ sung, tức lượng nhiên liệu cần thiết để bay từ điểm tiếp cận bị bỏ lỡ tại sân bay đích cho đến khi hạ cánh tại sân bay thay thế.
Taxi fuel: Nhiên liệu taxi, sử dụng cho máy bay lăn trên đường băng, trước khi cất cánh.
Ông Sáu nhấn mạnh, việc phải bay vòng chờ do điều kiện thời tiết xấu là nhằm đảm bảo an toàn cho máy bay và hành khách vì máy bay muốn hạ cánh phải đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định.
“Vì vậy, hành khách trong thời gian chờ cần giữ bình tĩnh và tuân thủ các hướng dẫn, quy định của tiếp viên hàng không. Lúc này, hành khách có thể áp dụng các biện pháp như nuốt nước bọt để chống ù tai, giữ bình tĩnh và không nghĩ đến việc bao giờ hạ cánh vì càng nghĩ thì càng sốt ruột...
Nhiều người say máy bay, giống như say xe, chỉ nghĩ tới đã say, nên không có giải pháp nào trừ liệu pháp tâm lý tự kỷ ám thị”, ông Sáu khuyến cáo.
Hàng chục chuyến bay phải bay vòng, chuyển hướng
Dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn quốc gia, tháng 6, 7 là thời kỳ phát triển của gió mùa hè, với sự khơi sâu của áp thấp nóng Ấn - Miến và mở rộng phạm vi hoạt động về phía Đông chi phối thời tiết trên toàn lãnh thổ nước ta.
Theo đó, trong thời kỳ này sẽ xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông ảnh hưởng đến hoạt động bay tại các sân bay. Có thể thấy, trong mưa giông kèm theo rất nhiều các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như gió giật, gió mạnh, gió đứt, mưa lớn làm giảm tầm nhìn hay mây vũ tích (Cb) chắn đầu cất hạ cánh đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình khai thác của các Hãng hàng không.
Theo đó, chỉ trong chiều 28/6, mưa, giông lớn xuất hiện tại sân bay Tân Sơn nhất khiến 65 chuyến bay xuất phát từ phía Bắc khi đến Phan Thiết phải bay vòng hơn 40 phút mới có thể hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất.
Tương tự, vào chiều tối và đêm 20 và 21/6, tại khu vực sân bay Nội Bài có mưa giông kèm gió mạnh làm ảnh hưởng đến rất nhiều chuyến bay không thực hiện đúng kế hoạch, phải bay chờ và phải chuyển hướng đi các sân bay dự phòng.
Cụ thể, trong khoảng thời gian từ 18h30-20h ngày 20/6, tại sân bay Nội Bài xảy ra mưa giông, gió rất mạnh, sau đó tình trạng này tiếp tục diễn ra từ 0h30 đến 3h ngày 21/6.
Tình trạng này khiến 13 chuyến phải bay chờ, 4 chuyến phải chuyển hướng đi sân bay dự phòng Hải Phòng và Nam Ninh (Trung Quốc), sau khi hết mưa giông đã hạ cánh lại sân bay Nội Bài.
Chiều tối ngày 21/6, tại sân bay Nội Bài có mưa nhỏ nhưng mây vũ tích chắn đầu hạ cánh và cất cánh dẫn đến tàu bay không thể hạ cánh, khiến 20 chuyến phải bay vòng chờ.
Còn tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, vào tối 22/6 cũng xảy ra mưa mạnh kèm giông, gió giật mạnh làm có 29 chuyến bay chờ, 7 chuyến phải chuyển hướng đi sân bay dự phòng và 1 chuyến quay lại sân bay khởi hành.