Vụ việc trên xảy ra tại Trạm Y tế lưu động số 2 Cụm công nghiệp Phú Chánh (phường Phú Chánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).

{keywords}
Trạm Y tế lưu động số 2 Cụm công nghiệp Phú Chánh - Ảnh: X.A

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp và công nhân, từ tháng 10/2021 tới nay, khi  công nhân đến Trạm y tế lưu động số 2 nằm trong Cụm công nghiệp Phú Chánh tiêm vắc xin phòng Covid-19 thì bị nơi này “xoay” đủ kiểu.

Cụ thể, khi công nhân đến tiêm vắc xin phòng Covid-19, các cán bộ, nhân viên y tế tại đây yêu cầu phải thực hiện test nhanh với giá 120.000 đồng/lần, nếu không test sẽ không được tiêm.

Một số trường hợp khác đưa kết quả xét nghiệm âm tính do công ty xác nhận còn hiệu lực theo quy định nhưng vẫn không được chấp nhận, nơi này yêu cầu phải test trực tiếp tại trạm.

Trước đó, Sở Y tế Bình Dương đã có văn bản yêu cầu các đơn vị y tế và các điểm tiêm chủng trên địa bàn tỉnh không được yêu cầu người tiêm vắc xin phải xét nghiệm nhanh Covid-19, trừ trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ. Đồng thời, các điểm tiêm vắc xin cũng không được thu phí dịch vụ tiêm phòng Covid-19 của người dân dưới bất cứ hình thức nào.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho biết, trước khi đưa công nhân đến tiêm vắc xin, phía trạm y tế này đề nghị doanh nghiệp phải nộp tiền “bồi dưỡng” cho trạm, số tiền tương ứng 30.000 đồng/công nhân.

Theo tìm hiểu của PV, Cụm công nghiệp Phú Chánh hiện có hơn 30 doanh nghiệp đang hoạt động với số lượng hàng ngàn công nhân. Hầu hết công nhân tại đây đều được tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Trạm y tế lưu động số 2.

Trước đó, vào tháng 9/2021, Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên Đoàn Hồng Tươi đã ký quyết định thành lập Trạm y tế lưu động số 2 Cụm công nghiệp Phú Chánh. Đây là một trong những trạm y tế có nhiệm vụ chính là quản lý, theo dõi người nghi nhiễm, xét nghiệm, tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại doanh nghiệp.

Trạm y tế này sẽ giúp doanh nghiệp và người lao động phòng, chống dịch bệnh, yên tâm lao động sản xuất nhưng khi đi vào hoạt động lại xảy ra những bất cập khiến nhiều người băn khoăn, trong đó có việc thu tiền trong quá trình hoạt động.

Lý giải của Trạm Y tế

Để tìm hiểu về vụ việc, PV đã liên hệ với bà Huỳnh Thị Hồng Đào - Trưởng trạm y tế lưu động số 2 nhưng bà này cho biết hiện không đi làm, đồng thời cho hay hiện tại đã có người khác phụ trách trạm.

Liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Thành Phú - Phụ trách trạm, người này cho hay chỉ phụ trách về mặt chuyên môn, vấn đề khác ông không nắm mà do ông Nguyễn Hùng phụ trách.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hùng - Thành viên Trạm y tế lưu động số 2, cũng là cán bộ của Cụm công nghiệp Phú Chánh thừa nhận có việc vận động doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí trong quá trình triển khai tiêm vắc xin.

Theo ông Hùng, do nhân lực của trạm không đủ trong khi số lượng người tiêm vắc xin khá lớn nên trạm đã vận động các doanh nghiệp ủng hộ, hỗ trợ bằng tiền để lo cho hoạt động của trạm, trong đó có chi phí vật tư y tế và lương cho cán bộ, nhân viên.

Về việc xét nghiệm, ông Hùng cho rằng trạm không bắt buộc công nhân phải xét nghiệm trước khi tiêm, những người đến xét nghiệm trước khi tiêm là do “có nhu cầu”. Trong khi đó, nhiều công nhân cho rằng họ bị “ép” xét nghiệm mới được trạm cho tiêm.

"Không có chủ trương thu tiền trong quá trình tiêm vắc xin"

Trao đổi với VietNamNet, ông Huỳnh Minh Chín - Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Dương kiêm Giám đốc Trung tâm y tế thị xã Tân Uyên khẳng định, ngành y tế không có chủ trương nào về việc thu tiền trong quá trình tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Đối với Trạm Y tế lưu động số 2 nói trên, kinh phí hoạt động đều do doanh nghiệp tự thu tự chi.

Ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương cho biết, Sở đã nghe được các đơn vị báo cáo về vụ việc này và đã tiến hành kiểm tra. Theo đó, ngày 24/12 vừa qua, Trạm Y tế lưu động Cụm công nghiệp Phú Chánh đã có văn bản gửi các doanh nghiệp về việc xin hỗ trợ kinh phí để tăng cường đội ngũ y tế nhằm đảm bảo tiến độ tiêm vắc xin mũi 3 cho người lao động.

Đối với công tác xét nghiệm, ông Toàn cho biết, hiện nay các doanh nghiệp có thể chủ động xét nghiệm cho người lao động mà không cần xét nghiệm tại trạm y tế, khi người lao động đến tiêm vắc xin trạm phải có trách nhiệm tiêm theo đúng quy định.

Về các vấn đề doanh nghiệp phản ánh, Sở Công Thương cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xác minh, làm rõ.

Công nhân 'choáng váng' vì trừ lương 4,5 triệu phí xét nghiệm Covid-19

Công nhân 'choáng váng' vì trừ lương 4,5 triệu phí xét nghiệm Covid-19

Nhận bảng lương từ công ty, nhiều công nhân ở Bình Dương “tá hỏa” khi bị trừ phí xét nghiệm Covid-19 hàng triệu đồng, có người bị trừ gần hết tiền lương tháng.

Xuân An