Là huyện ven biển của tỉnh Sóc Trăng, trước đây, kinh tế của Trần Đề chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng do đất bị nhiễm mặn nên nhiều cánh đồng bị bỏ hoang. Tuy nhiên, từ khi có hệ thống đê biển, đê sông phát huy tác dụng, các dự án thủy lợi, dự án đê bao khép kín, đặc biệt là huyện triển khai chuyển đổi, cơ cấu ngành nông nghiệp, những vùng đất nhiễm mặn trước đây bị bỏ hoang đã được người dân khoanh vùng cải tạo xây dựng thành đầm nuôi tôm hàng nghìn héc ta, những cánh đồng canh tác lúa đặc sản, lúa chất lượng cao…, đã giúp kinh tế - xã hội của huyện ngày một phát triển.

Với lợi thế có chiều dài 12km bờ biển, Trần Đê xác định kinh tế biển là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Thời gian qua, việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển luôn được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư, xây dựng, như cảng cá Trần Đề, khu thương mại kinh tế biển Trần Đề, bến cá Mỏ Ó,… Từ ngày có cảng cá, cửa biển Trần Đề trở nên sầm uất, là điểm tập kết của nhiều ghe tàu đánh bắt, khai thác thủy sản trong vùng và các tỉnh lân cận.

Cảng cá An Thới Phú Quốc, KIên Giang (used).JPG.jpg
Kinh tế biển là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Trần Đề.

Cảng cá Trần Đề được xây dựng từ năm 2000 với tổng diện tích 16ha. Đây là một trong 10 cảng cá thuộc dự án "Nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá Việt Nam". Cảng đóng vai trò là cơ sở hậu cần nghề cá quan trọng tại Sóc Trăng, phục vụ đánh bắt xa bờ, khai thác có hiệu quả tiềm năng nghề biển. Đặc biệt, cảng biển Trần Đề đã được Chính phủ quy hoạch với tiềm năng trở thành cảng biển đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ của vùng đồng bằng sông Cửu Long. 

Hiện nay, Trần Đề trở thành địa phương đứng đầu của tỉnh Sóc Trăng về lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Năm 2022, sản lượng khai thác thủy sản của huyện đạt trên 56.400 tấn; năm 2023, tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt 60.241,7 tấn; trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy hải sản của huyện đạt 44.976 tấn. Đến nay, Trần Đề là một trong những nơi có diện tích nuôi tôm lớn của Sóc Trăng, huyện cũng thu hút được hàng trăm doanh nghiệp tham gia phát triển dịch vụ chế biến thủy sản.              

Chủ tịch UBND huyện Trần Đề Nguyễn Trọng Sơn, cho biết, năm 2024, huyện sẽ tiếp tục khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển, trong đó chấp hành nghiêm quy định nhằm ngăn chặn, chống và loại bỏ các hoạt động khai thác IUU. 

Về nuôi trồng thuỷ sản, huyện sẽ tập trung ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản, trong đó, phát triển nuôi tôm theo hướng siêu thâm canh. Trong hoạt động khai thác thuỷ sản, huyện sẽ khuyến khích ngư dân khai thác xa bờ, kết hợp chế biến các mặt hàng thủy sản để nâng cao giá trị; đồng thời chủ động kiểm soát phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu, kiểm soát mặn xâm nhập, trữ ngọt, phòng chống sạt lỡ nhằm ổn định dân cư, phát triển sản xuất. 

Trần Đề nằm ở vị trí phía Đông của tỉnh Sóc Trăng, bờ biển tiếp giáp biển Đông và có 2 cửa sông lớn là sông Hậu, sông Mỹ Thanh. Với tiềm năng và lợi thế phát triển từ biển, những năm qua huyện luôn xác định kinh tế biển là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy, huyện sẽ tập trung những mục tiêu đột phá như nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản và du lịch biển; đồng thời, tiếp tục thu hút đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại (đánh bắt thủy sản) và du lịch biển. 

Huyện sẽ tập trung phát triển bền vững kinh tế biển trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, bản sắc văn hóa, tính đa dạng của hệ sinh thái. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện việc nâng cấp, cải hoán đội tàu khai thác thủy sản, tăng số lượng tàu khai thác xa bờ, chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học,… đưa Trần Đề trở thành trung tâm kinh tế năng động, trong đó kinh tế biển giữ vai trò chủ đạo. Đây không chỉ là động lực thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của huyện mà còn của tỉnh Sóc Trăng nói chung.

Theo Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 25/8/2023, Sóc Trăng được định hướng trở thành cửa ngõ chính ra biển Đông của vùng ĐBSCL, là trung tâm đầu mối của vùng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics với trọng tâm là cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề. 

Định hướng đến năm 2030, huyện Trần Đề là trung tâm kinh tế biển của tỉnh, phát triển mạnh công nghiệp, thương mại, dịch vụ hậu cần cảng biển, vận tải, hàng hải, các khu sản xuất công nghiệp, năng lượng tái tạo ven biển, du lịch biển và đô thị biển; gắn kết với cảng biển ở cửa ngõ Trần Đề, khu kinh tế ven biển Trần Đề, tuyến đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; là trung tâm nuôi trồng và khai thác thủy hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá cho cả vùng duyên hải biển Đông.