- Sau khi đọc bài “Nói và làm: Bán gạo mua iphone, nỗi niềm công nghệ cao”, nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC:


Xuất gạo tỷ đô, nhập điện thoại di động… cũng bằng ấy? 

Email richgolo@yahoo.com cho rằng: Cách so sánh của tác giả về giá trị iphone và giá trị lao động, ý muốn nói là người lao động nhọc nhằn cả năm tháng dài mà giá trị thu được quá nhỏ nhoi. Người Việt đừng nên hoang phí và đua đòi.

Bạn Nguyễn Văn Từ, email vantu20102000@yahoo.com chia sẻ: Thật sự đọc xong tôi thấy băn khoăn: Hiện nay, cạnh tranh mang tính toàn cầu, đất nước mình có gì để phát triển làm thế mạnh cạnh tranh? Thiết nghĩ nhà nước nên tăng đầu tư cho phát triển nông nghiệp, chứ đầu tư cho những dự án CNTT biết lấy tiền đâu ra cho đủ?

Còn Nguyễn Minh, email minhminh1950@yahoo.com.vn lại ‘đáng buồn’ vì hiện trạng: XK lúa gạo VN mỗi năm mang về hàng tỷ USD thì các ông trùm thương mại cũng nhập về bằng ấy giá trị mặt hàng… điện thoại di động! Đừng so sánh sản xuất lúa gạo với sản phẩm iphone và hãy thực tế hơn để chọn một hướng đi đúng đắn cho kinh tế nước nhà, để hạt gạo XK mang về cái gì cho nền công nghiệp VN.

Ảnh minh họa
Bộc bạch nghe nhói lòng của email vu_dung1955@yahoo.com: Tôi rất tự hào và vô cùng thích khi mỗi mùa về được ngắm cánh đồng lúa chín vàng của Việt Nam. Nhưng tôi cũng vô cùng thích và mơ ước được sử dụng các đồ dùng công nghệ cao. Là kỹ sư nhưng đã gần 60 tuổi rồi trong nhà vẫn chưa có ti vi tinh thể lỏng, không được dùng iphone. Không buồn sao được? Chắc sau này, con sẽ gửi vào… ngày giỗ.

Cảnh báo của Thi Nguyen, email thatthuyet@gmail.com: Việt Nam bán gạo mua iphone, còn Mỹ bán iphone mua gạo...Thái Lan. Tôi là 1 kỹ sư đang làm việc trong ngành công nghệ cao, thật sự mà nói, để chế tạo ra sản phẩm công nghệ cao ở thời điểm bây giờ là quá sức đối với người Việt Nam...Phải 20, 30 hoặc 50 năm nữa, nếu có tầm nhìn và chiến lược đúng đắn thì mới hy vọng!

Email product.vnm@gmail.com phân tích: Không thể phủ nhận giá trị gia tăng của ngành công nghiệp đem lại, nhưng cũng nên nhìn lại thực tại: Việt Nam là một nước nông nghiệp nhưng nông nghiệp của chúng ta mới đạt về số lượng chứ chưa đạt về chất. Việt Nam nên chọn cái nào là lợi thế để làm tốt, làm triệt để. Mỗi quốc gia ngày nay chỉ tham gia vào một chuỗi cung cầu của thế giới, chứ cái gì cũng muốn như người ta thì rất khó trong khi xuất phát điểm, kinh phí, nhân lực... có hạn.

Còn email ledohuy@hn.vnn.vn lại khuyên: Về chuyện iphone thì, đừng mắc ‘cái bệnh sĩ diện hão nó ở trong máu người VN mất rồi’ như các bậc tiền bối nói. Hãy làm ‘công nghiệp không khói’. Con gái tôi ở Đông Âu, đi du lịch Senegale gửi cho tôi những tấm ảnh, tôi rất tâm đắc. Nếu VN làm được du lịch thì: - Tự chúng ta phải luôn làm người tử tế để đón khách - Giữ được giang sơn gấm vóc của cha ông, không bị phá phách như bây giờ - Con cháu chúng ta cảm ơn.

Đừng chạy theo những điều xa vời mà quên giá trị những cánh đồng

Lập luận của email nhh71@yahoo.com: Trong thời gian qua VN đã xuất khẩu gì từ công nghệ cao? Ngành công nghiệp cũng chủ yếu là gia công lắp ráp phục vụ tiêu thụ trong nước. Đối với ngành nông nghiệp thì đa số nông dân vẫn loay hoay ‘trồng cây gì, nuôi con gì’? Vì vậy, nên chăng công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần xác định mục tiêu chính là phục vụ nông nghiệp – nông thôn. Bởi vì, cần xác định rằng liệu chúng ta có thể sản xuất các mặt hàng công nghệ cao để cạnh tranh được với nước khác được không? Trong khi đó sản phẩm nông nghiệp vẫn là lợi thế cạnh tranh của chúng ta.

Email NGUYENNGOCANH8291@YAHOO.COM.VN phụ họa: Thử nghĩ xem trên thế giới có bao nhiêu công ty iphone? Chúng ta phải nhìn nhận một cách thực tế rằng vì điều kiện tự nhiên, khí hậu và lịch sử đã có tác động không nhỏ, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Thử nghĩ giờ chúng ta san phẳng tất cả các cánh đồng lúa để xây dựng các nhà máy, các khu công nghiệp, thì liệu chúng ta có đuổi kịp được các nước công nghiệp hiện đại phát triển cách chúng ta hàng trăm năm không?

Tán đồng của email hntronghieppr@gmail.com: Đừng chạy theo những điều xa vời thực tế trong khi chúng ta vẫn tạo ra những giá trị từ những cánh đồng màu mỡ. Chúng ta nên phát huy sở trường chứ không nên dùng sở đoản. Ít nhất trong giai đoạn này, chỉ có nền nông nghiệp là cứu tinh cho nền kinh tế. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta không chú trọng đến công nghệ cao, công nghệ chính xác... mà sẽ chú trọng đến tính thời điểm.

Ý kiến của email bkpro@gmail.com: Tôi luôn tự hào VN mình làm ra được nhiều gạo. Tôi cố gắng góp phần đẩy ngành công nghệ VN ngày một phát triển. Hãy để ngành công nghệ đi cùng với những cánh đồng màu xanh ấy.

La Hoài Minh, email la_hoai_minh@yahoo.com hùa theo: Tôi rất đồng cảm với ý kiến của bạn: Hãy để ngành công nghệ đi cùng với những cánh đồng màu xanh! Nếu thiếu một trong hai (thậm chí là nhiều thứ khác nữa trong cuộc sống) thì sẽ thiếu đi rất nhiều. Không nên thiếu đi cái gì, hãy tốt lên mọi thứ ‘nếu có thể’. Nhưng, bằng cách nào đây?

Góc nhìn của email xyz.binhluan@gmail.com hướng về phía con người: Nhân tài của VN đâu có thiếu. Sinh viên VN đi thi robot toàn lọt vào topten thế giới, nhưng rồi những sinh viên này đi về đâu? Họ có được làm đúng chuyên môn sau khi ra trường không? Tại sao sau khi đoạt giải thì hầu như họ ‘mất hút’ và không có phát minh nào nữa?

Đỗ Hùng, email Dohungcdt06@gmail.com bổ sung: Rất nhiều bạn bè tôi ra trường với tấm bằng kỹ sư, làm việc miệt mài nhưng lương tháng có 3-4 triệu, chúng tôi phải chạy ăn từng bữa lấy tâm trí đâu đầu tư cho nghiên cứu? Việc đầu tư cho những người kỹ sư như vậy thì liệu có phát triển nổi không?

“Quan trọng là những người đứng đầu, có trách nhiệm thiết thực nhất với ngành, người đứng mũi chịu sào phải đưa ra chính sách, đường lối đúng đắn cho ngành của mình đi lên thì mới tránh được tụt hậu”, đó là ý kiến của bạn Hai Anh, email timemnoidau_phuongnao@yahoo.com.

Ban Bạn đọc