Để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho trẻ em, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ GD-ĐT ban hành Chương trình về việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong ngành GD-ĐT giai đoạn 2024-2029.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, đây là chương trình hợp tác quan trọng với mục tiêu nâng cao nhận thức, năng lực về phòng chống thiên tai cho học sinh và đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, góp phần xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai trong 5 năm tới.

Theo TS. Đỗ Thị Hạnh Trang - giảng viên chuyên về lĩnh vực quản lý thiên tai thảm họa (Trường Đại học Y tế công cộng), ở cấp tiểu học, ngành Giáo dục lồng ghép nội dung về phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu vào các môn khoa học tự nhiên khối lớp 1, 2, 3 và môn khoa học của lớp 4, 5.

thi sinh giai nhat chia se.jpg
Nội dung giáo dục về phòng chống thiên tai cho học sinh THCS, THPT có thể được lồng ghép vào chương trình hoạt động ngoại khóa

Với lứa tuổi nhỏ, các em cần được hướng dẫn những nội dung phòng chống thiên tai đơn giản, gần gũi để trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết , giúp các em bước vào cuộc sống, đối diện với những thử thách mà luôn có những kỹ năng như: tự bảo vệ của bản thân và sự hiểu biết về các hiện tượng tự nhiên cần thiết; bình tĩnh – tự tin - sáng tạo trong mọi hoàn cảnh, biết được những điều nên làm và không nên làm.

Theo chuyên gia Hạnh Trang, có thể hướng dẫn các em một số kỹ năng ứng phó khi gặp thiên tai như: bình tĩnh, tìm đến nơi trú ẩn an toàn khi gặp thiên tai nếu không có người lớn bên cạnh, biết gọi người lớn khi gặp nguy hiểm; Khi gặp các dấu hiệu thời tiết nguy hiểm như bão, mưa lớn, sấm sét, không được ra ngoài trời, không tắm mưa, không trú dưới gốc cây to, cột điện, không đi qua cầu, ngầm tràn, cầu treo khi mưa to, gió lớn; Không vui chơi tại các điểm ngập úng; Không ăn thức ăn ôi thiu, không sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm (có màu, mùi lạ); Thuộc các số điện thoại của người thân để gọi khi gặp nguy hiểm. Đặc biệt, giáo dục cho các em có tình yêu thương, chia sẻ với nỗi đau của nạn nhân thiên tai. 

Rèn luyện các kỹ năng quan sát, phân tích tình huống

TS. Hạnh Trang cũng lưu ý, với học sinh cấp học lớn hơn, các kiến thức và kỹ năng cần thiết trang bị có thể ở mức độ phức tạp hơn do các em đã có trình độ nhận thức nhất định.

Cụ thể, các em cần có kiến thức và rèn luyện các kỹ năng quan sát, phân tích tình huống, có thói quen, phản xạ phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó với thiên tai cũng như tham gia hiệu quả vào công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai.

Trong đó, trước thiên tai, học sinh nên được hướng dẫn để có thể thực hiện được các kỹ năng như: nghe thông tin dự báo, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng uy tín.

DSCF8462.jpg
Các học sinh xem các tác phẩm xuất sắc đoạt giải tại hai cuộc thi “Rung chuông vàng: Cùng em phòng, chống thiên tai - Kiến tạo tương lai bền vững”, cuộc thi sáng tác tranh “Góc nhìn trước thiên tai” tổ chức tại Đà Nẵng hồi đầu tháng 10

Qua đó, tùy theo khả năng có thể hỗ trợ gia đình và nhà trường một số hoạt động phòng ngừa tác động của thiên tại như: bảo vệ, che chắn lồng bè, tài sản, gia súc, gia cầm, tranh thủ thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp, gia cố nhà cửa, cắt tỉa cành cây, dự trữ nhu yếu phẩm (lương thực, thuốc, hóa chất xử lý nước sạch) và các vật dụng cần thiết như đèn pin, xạc điện thoại dự phòng, áo phao… khi có cảnh báo thiên tai.

Cùng bạn bè, thầy cô xác định các khu vực an toàn có thể tránh trú bão, lụt, các khu vực nguy hiểm khi có bão, lụt, lũ quét, sạt lở đất… xung quanh nơi ở và trường học.

Tuân thủ các hướng dẫn của giáo viên và lực lượng phòng chống thiên tai tại địa phương (đội xung kích, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn), cha mẹ và người thân.

Thực hiện theo hướng dẫn của giáo viên về các việc nên làm, không nên làm khi xảy ra thiên tai.

Đáng lưu ý, lưu, thuộc các số điện thoại khẩn cấp, số điện thoại của người thân và những người quan trọng (giáo viên, tổ trưởng tổ dân phố hay trưởng thôn) để liên hệ khi cần cứu hộ, cứu nạn và thông tin về vị trí, tình trạng của mình khi gặp nạn.

Nhắc nhở cha mẹ theo dõi thông tin, liên lạc thường xuyên với nhà trường và giáo viên để biết thông tin, thông báo về lịch nghỉ học, tiếp tục học tập sau thiên tai, những việc nhà trường cần gia đình phối hợp để đảm bảo an toàn cho học sinh trước, trong và sau thiên tai.

Không tự ý hoặc lan truyền thông tin sai sự thật về thiên tai và các hoạt động phòng, chống thiên tai.

Ngoài ra, sau thiên tai, học sinh có thể lưu ý thực hiện như ở nơi an toàn cho đến khi có hướng dẫn của giáo viên và lực lượng phòng chống thiên tai ở địa phương (nếu đang ở trường), của cha mẹ và người thân (nếu đang ở nhà).

Tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường, xử lý nước sạch, vệ sinh giếng/bể nước tại gia đình và nhà trường.

Quan sát, giúp đỡ các em nhỏ, người già, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn khác nếu có thể.

Giữ gìn sức khoẻ, đảm bảo mặc ấm khi trời lạnh, ăn chín, uống sôi. Nếu bị ốm phải thông báo ngay cho cha mẹ, người thân hoặc giáo viên...

Các nội dung giáo dục về phòng chống thiên tai cho học sinh THCS, THPT có thể được lồng ghép vào chương trình học chính khóa hoặc các hoạt động ngoại khóa, kết hợp sử dụng hiệu quả các tài liệu truyền thông có tính trực quan cao.

Để thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu cho các thế hệ tương lai thì các em học sinh là tác nhân tích cực của sự thay đổi và đóng vai trò cầu nối để truyền đạt thông tin, kiến thức và kỹ năng cho các bạn, phụ huynh và cộng đồng, góp phần phòng, chống thiên tai để nó không trở thành thảm họa.