- Phát biểu tại phiên họp sáng 26/11, ĐB Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Hà Nội) đánh giá dự thảo luật báo chí đã kế thừa những nội dung cơ bản của luật hiện hành, tiếp cận xu hướng phát triển của báo chí, nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và để phù hợp với Hiến pháp năm 2013.

Theo bà, điểm mới của dự thảo luật đó là đã cụ thể hóa chương quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Góp ý cụ thể về mô hình hoạt động của cơ quan báo chí, bà Thanh chỉ ra thực tiễn còn nhiều cơ quan báo chí do các cơ quan nhà nước thành lập và bao cấp kinh phí hoạt động, làm tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

{keywords}
Luật Báo chí phù hợp Hiến pháp 2013

ĐB kiến nghị luật cần quy định theo hướng sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí của cơ quan, tổ chức hưởng ngân sách nhà nước, nhằm nâng cao chất lượng báo chí và giảm gáng nặng cho ngân sách nhà nước, đồng thời phân loại cơ quan báo chí và quy định mô hình hoạt động của cơ quan báo chí phù hợp với thực tiễn.

"Dự thảo luật cũng cần quan tâm đến mô hình tập đoàn, tổ hợp truyền thông đa phương tiện hiện đang là xu hướng phát triển tất yếu của báo chí nước ta, để có những quy định phù hợp", ĐB nhấn mạnh.

Tránh ấn tượng cấm đoán nặng nề

Về những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, ĐB đề nghị rà soát lại để lược bớt những nội dung đã được quy định trong các Bộ luật dân sự, hình sự để làm sao quy định cấm được rõ và gọn hơn, tránh gây ấn tượng nặng nề là đưa ra những hành vi cấm quá chi tiết.

Về giấy phép trong hoạt động báo chí, dự thảo luật quy định 7 nội dung cấp giấy phép và 4 nội dung phải thông báo với sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí. ĐB cho rằng quy định như vậy quá nhiều, làm tăng thủ tục hành chính và giảm tính chủ động của cơ quan báo chí, cũng như hạn chế quyền tự do báo chí.

Bà cũng cho rằng việc quy định về hiệu lực giấy phép như trong dự thảo luật là không cần thiết, phần nào gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc phải cấp lại giấy phép cho số lượng lớn cơ quan báo chí. 

Chỉ nên quy định về các trường hợp cụ thể tạm dừng hoặc chấm dứt hoạt động báo chí do vi phạm, hoặc khi có yêu cầu của cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Về trách nhiệm, quyền hạn của lãnh đạo cơ quan báo chí, các điều khoản của luật quy định: "Người đứng đầu cơ quan chủ quản được cử trực tiếp theo dõi, chỉ đạo cơ quan báo chí. 

Người đứng đầu cơ quan báo chí đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các sai phạm của cơ quan báo chí. Tổng biên tập, phó tổng biên tập và nhà báo đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin báo chí".

ĐB Thanh cho rằng, quy định như trên chưa làm rõ trách nhiệm của từng chức danh về hoạt động báo chí nói chung và về nội dung thông tin báo chí nói riêng của cơ quan báo chí. Vì thế rất khó cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc xử lý khi cơ quan báo chí xảy ra sai phạm.

Thẻ nhà báo nên giao hội nghề nghiệp quản?

Phát biểu tại phiên họp, ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đề cập thẻ nhà báo của những người làm báo. Từ kinh nghiệm làm báo của mình trong 20 năm liên tiếp, ông Dương Trung Quốc đánh giá các quy định vẫn đang đặt nặng vấn đề quản lý nhà nước đối với thẻ nhà báo.

{keywords}
ĐBQH Dương Trung Quốc

"Thẻ nhà báo khác với bằng lái xe. Tài xế không lái xe này thì lái xe khác đều được, nhưng thẻ nhà báo phải dần dần hướng tới giao cho các hội nghề nghiệp, đó là Hội nhà báo Việt Nam với chức năng Hội sẽ nó quản lý thì đúng hơn, không phải xin của nhà nước", ông nêu ý kiến. 

ĐB tỉnh Đồng Nai cho rằng, Hội nhà báo Việt Nam có một hệ thống và một trong những nội dung hoạt động của báo chí rất quan trọng đó là đạo đức báo chí.

"Đạo đức nhà nước không quản lý được, nhà nước chỉ quản lý về luật pháp. Điều chỉnh đó sẽ làm cho đội ngũ nhà báo năng động hơn, có chuẩn mực chung mà quy định của nhà nước không thể can thiệp được", ông phát biểu.

Nhận xét chung về dự thảo luật, ông kiến nghị có thể làm gọn luật lại, giảm nhẹ yếu tố không cần thể hiện. Đơn cử, về các thông tin, nội dung báo chí và hành vi bị cấm, ông nhắc lại đã có các quy định trong luật hình sự, luật sở hữu trí tuệ....Ông cho rằng, luật quy định điều chỉnh rất nhiều vấn đề cụ thể tưởng như rất chặt nhưng đồng thời có nhiều các kẽ hở, hạn chế quyền tự do báo chí.

Ông cũng cho rằng, luật chưa phân tầng các loại hình báo chí, hầu như tất cả chỉ tập trung vào những tờ báo chính trị, xã hội, trong khi đó có một số lượng rất lớn những tờ báo gắn đời sống xã hội như báo chí vì giải trí, tinh thần... gần như cũng bị đưa vào điều chỉnh chung như báo chí chính thống, dẫn đến hiện tượng chỉ quan tâm đến một số đối tượng nhưng không phân tầng đối tượng trong dự án luật này.

ĐB Quốc lưu ý không có báo tư nhân ở VN nhưng rõ ràng xu thế hiện nay sẽ đa dạng sở hữu hơn rất nhiều.

L.Thư - T.Hằng - Hoàng Long