Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, với mục tiêu góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN “cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các hoạt động hợp tác hướng tới con người, xây dựng một cộng đồng ASEAN hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội nhằm đạt được tình đoàn kết và thống nhất lâu bền giữa các quốc gia và người dân ASEAN thông qua việc tạo dựng một bản sắc chung và một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hoà thuận và rộng mở, nơi cuộc sống và phúc lợi của người dân được nâng cao”.

W-anhminhhoa-10.png
Ảnh minh hoạ

Cộng đồng Văn hóa – Xã hội tập trung nhiều vào khía cạnh con người, vào những nội dung thiết thực với cuộc sống của toàn thể người dân trong khu vực. Việc đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN sẽ thúc đẩy sự gắn kết người dân giữa các quốc gia, khuyến khích người dân tham gia vào tiến trình xây dựng Cộng đồng; đồng thời bổ trợ tích cực cho việc xây dựng hai trụ cột còn lại.

Hội nghị hẹp của các quan chức cao cấp phụ trách Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN mới đây đã diễn ra theo hình thức trực tuyến. Đây là hoạt động do Indonesia chủ trì với vai trò Chủ tịch Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC) 2023.

Trong bài phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Phát triển nhân lực và các vấn đề văn hoá Indonesia đã công bố các ưu tiên của ASCC trong năm 2023 xoay quanh chủ đề của năm Chủ tịch ASEAN 2023 “ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”. Đó đó là củng cố cấu trúc y tế, thúc đẩy phát triển nông thôn, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ và nâng cao năng lực lao động, đồng thời tăng cường phát triển hòa nhập cho người khuyết tật.

Tại Hội nghị, các nước đã bày tỏ sự ủng hộ và thảo luận về những ưu tiên của Cộng đồng. Hội nghị ghi nhận cần ưu tiên thúc đẩy phương pháp tiếp cận y tế để ứng phó tốt hơn với các rủi ro y tế trong khu vực.

Một ưu tiên khác của ASCC trong năm nay là trao quyền cho các làng để giúp họ đẩy nhanh quá trình phát triển nông thôn trong khu vực. ASCC sẽ thúc đẩy phát triển nông thôn bằng cách khai thác các nền tảng hợp tác để chia sẻ kiến thức và các cơ hội hợp tác.

Bên cạnh đó, môi trường tiếp tục là ưu tiên, cụ thể là hợp tác môi trường để bảo tồn đa dạng sinh học và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực khu vực để bảo tồn đa dạng sinh học và thực hiện Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới.

Hội nghị cũng thống nhất với ưu tiên bảo vệ tốt hơn cho người lao động di cư ASEAN trên đất liền và trên biển và nâng cao năng lực của người lao động cho tương lai việc làm. Theo đó, ASCC sẽ tăng cường bảo vệ quyền của người lao động di cư trong các tình huống khủng hoảng và tàu cá, đồng thời thúc đẩy đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho lao động để đáp ứng nhu cầu lao động trong tương lai.

Thúc đẩy phát triển hòa nhập cho người khuyết tật thông qua tăng cường quan hệ đối tác cũng là một ưu tiên quan trọng trong vai trò chủ tịch ASCC của Indonesia năm 2023. Nhiệm vụ này sẽ đảm bảo quyền của người khuyết tật thông qua việc thực hiện Kế hoạch tổng thể ASEAN 2025: Lồng ghép quyền của người khuyết tật.

Cuối cùng, Hôi nghị bày tỏ sự tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Bộ Phát triển nhân lực và các vấn đề văn hoá Indonesia, Cơ quan chủ trì ASCC năm 2023, Cộng đồng ASCC sẽ đạt được những kết quả như kỳ vọng, góp phần cho một ASEAN tiếp tục là tâm điểm của tăng trưởng.

Lương Bằng và nhóm PV, BTV