Không phải chúng ta thiếu
những bài học, khẩu hiệu đạo đức. Cái chúng ta thiếu nhất có lẽ chính là sự làm
gương bằng chính đời sống thực, hành động thực.
>> Vụ nữ sinh đánh nhau: Sau từ chức, đình chỉ là gì?
Cách đây ít hôm, tôi đọc được một bài viết liên quan đến giáo dục trên báo Tuổi trẻ. Tại một trường THPT, một thày giáo khi thấy vỏ hộp bánh trên hành lang, đã yêu cầu em học sinh gần đó lượm bỏ vào thùng rác. Học sinh này thay vì làm theo, đã hỏi ngược lại thày giáo: “Sao thày không lượm mà kêu em lượm?”.
“Thiệt tình là hơn 30 năm đi dạy học, tôi chưa từng nghe một học trò nào lại dám nói với thày như vậy!”, thày giáo này kể lại.
Dưới bài viết có rất nhiều bình luận của độc giả, trong đó đa phần lật ngược vấn đề: cách thày hành động đã đúng là làm gương cho học trò chưa? Hay thày mới chỉ làm gương trên lời nói thay vì qua việc làm thực chất?
Bài báo và những gì đặt ra xung quanh nó đã gợi cho tôi rất nhiều suy nghĩ về chuyện làm gương của người thày nói riêng, và người lớn nói chung.
Cho đến nay, ở trường học Việt Nam, khoảng cách “vai vế” thày trò vẫn còn rất lớn, lời giáo viên được coi là khuôn vàng thước ngọc. Do đó, các em học sinh thường có xu hướng nghe và tiếp thu nhiều hơn là phản biện. Đặc biệt, trong môi trường giáo dục tiểu học, THCS và THPT, học trò phản biện lại giáo viên lắm khi còn dễ bị quy chụp là hỗn xược.
Chỉ quan sát cách bố trí lớp học, chúng ta cũng phần nào thấy được khoảng cách vai vế này: bàn giáo viên thường được đặt trên bục, cao hơn sàn lớp nơi đặt bàn học trò. Trong khi đó, tại lớp học của các quốc gia phương Tây hoặc các trường quốc tế, một cách bố trí phổ biến là bàn giáo viên đặt ngang bằng bàn học sinh. Ở đây, chỉ một sự tinh tế nhỏ trong thiết kế cũng đã giúp tăng cường tương tác, đối thoại giữa thày - trò, và thể hiện tư duy giáo dục khác biệt.
Cảnh cắt từ clip nữ sinh đánh bạn tại Trà Vinh |
Với khuôn khổ bài viết nhỏ này, tôi không đi vào đánh giá, phân tích nhược điểm của cách giáo dục một chiều vẫn còn phổ biến ở VN. Tuy nhiên, theo tôi, nó sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho giáo viên, đặt giáo viên ở vị trí trung tâm, mọi lời dạy, nhất cử nhất động của họ sẽ trở thành khuôn mẫu trong mắt học sinh.
Như vậy, ngoài vai trò là người giảng dạy, truyền đạt kiến thức, người thày còn phải luôn hành xử đúng đắn, trở thành tấm gương cho học trò. Nhất là trong môi trường giáo dục tiểu học và phổ thông, nơi các em học sinh đang ở độ tuổi hoàn thiện nhân cách và suy nghĩ còn thiếu chín chắn.
Nhìn rộng ra trong xã hội là áp lực làm gương của người lớn. Một điều chắc chắn là chúng ta chịu đa phần trách nhiệm trong hành vi chưa tốt của bọn trẻ: cãi vã, hỗn xược, đánh lộn, v.v… Khi bọn trẻ “gây chuyện”, trước tiên người lớn cần xem lại mình.
Gần đây, những vụ việc học sinh đánh “hội đồng” bạn như tại Trà Vinh đã tạo nên sự phẫn nộ trong dư luận. Hậu quả nghiêm trọng để lại cho cả phía học sinh nạn nhân cũng như phía gây lỗi và nhà trường.
Nói một cách công bằng, học sinh đánh nhau không phải là hiếm ở học đường Việt Nam. Việc các em xảy ra va chạm và giải quyết bằng bạo lực là chuyện khá phổ biến, nhất là với học sinh cấp II và cấp III, độ tuổi mới lớn, thích thể hiện cái tôi của bản thân.
Nhưng khi những vụ việc này diễn ra với cấp độ ngày càng trầm trọng và thường xuyên hơn, thì rõ ràng phải nhìn lại những bất ổn trong thế giới người lớn. Phải chăng đó cũng chính là sự phản chiếu lại những lộn xộn tại nhà trường, gia đình, xã hội hiện nay?
Không phải chúng ta thiếu những bài học, khẩu hiệu đạo đức – cho dù cách truyền giảng chúng còn rất nhiều điều đáng bàn. Cái chúng ta thiếu nhất có lẽ chính là sự làm gương bằng chính đời sống thực, hành động thực.
Chúng ta không thể dạy học sinh sống liêm chính, thành thật, khi mà câu chuyện giáo viên nhận quà, phong bì… trở nên ngày càng phổ biến. Bố mẹ không thể dạy con cái phải ngoan ngoãn, chính trực khi bản thân họ cũng cũng quay cuồng chộp giật. Xã hội không thể dạy bảo bọn trẻ hành xử đúng mực, theo lý lẽ thay vì “động chân tay”, khi mà bạo lực, tội ác gia tăng, và được phản ánh ngày càng “lạnh sống lưng” trên mặt báo.
Ngày nay bọn trẻ quan sát, nhận biết nhạy bén hơn xưa rất nhiều. Vì thế, đừng mong chờ làm gương cho chúng bằng cách “hãy làm như tôi nói, đừng làm như tôi làm”.
Hẳn rằng, tất cả phải bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất của chúng ta: nhặt rác bỏ đúng nơi trước khi muốn yêu cầu bọn trẻ bảo vệ môi trường, dừng xe tại đèn đỏ trước khi muốn dạy bọn trẻ về chấp hành luật giao thông, xin lỗi khi mắc lỗi trước khi muốn dạy bọn trẻ biết hối lỗi về hành động của mình, tôn trọng, bảo vệ các giá trị thực trước khi muốn “thuyết giảng” bọn trẻ đừng tôn sùng những giá trị ảo, hôn ghế thần tượng, v.v…
- Hữu Tri