“Năm ngoái, việc học trực tuyến dễ dàng hơn nhiều vì bọn trẻ đang học lớp 4 và lớp 8. Chúng thậm chí còn thấy thích thú khi được học online vì không phải dậy sớm để tới lớp. Tuy nhiên, năm nay cả hai anh em đều bước vào năm cuối cấp, lượng bài tập được cô giao cũng nhiều hơn khiến các con đều cảm thấy căng thẳng”, chị Minh Thư, bà mẹ có hai con đang học lớp 5 và lớp 9 lo lắng.

Kể từ khi trường học đóng cửa vì dịch Covid-19, đồng thời chuyển sang học trực tuyến, chị Thư buộc phải mua thêm một chiếc máy tính khác cho cậu con trai út do cả hai anh em học trùng giờ. Ngoài ra, chị cũng để lại một chiếc điện thoại cũ ở nhà, phòng khi máy tính không thể đăng nhập vào lớp học, các con vẫn có thể dùng điện thoại thay thế.

Dù không muốn con “dán mắt” vào màn hình quá lâu, nhưng chị Thư cho rằng, “cuối cấp, nếu chỉ học trên trường thôi là chưa đủ”.

{keywords}

Con học trực tuyến, bố mẹ cũng vất vả theo.

Con trai lớn của chị năm nay dự định sẽ thi vào Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ. Ngoài lịch học trên trường với 3 tiết buổi sáng và 3 tiết buổi chiều, mỗi tiết kéo dài 40 phút, chị còn cho con học thêm 2 buổi tiếng Anh, 2 buổi Toán, 1 buổi Ngữ Văn. Tất cả cũng chuyển sang học trực tuyến.

"Việc ngồi trước màn hình quá lâu cũng khiến con cảm thấy uể oải. Thỉnh thoảng, con than với mẹ rằng ngồi nhiều khiến con mỏi mắt, mỏi vai. Nhưng quãng thời gian này vô cùng quan trọng với con, thậm chí còn phải tranh thủ từng giây, từng phút để học. Bố mẹ cũng chỉ biết động viên con cố khắc phục, mỗi tuần cố gắng thêm hai buổi từ 6h30 – 8h tối”.

Nữ phụ huynh này cũng bày tỏ mong muốn việc học của con sẽ được tối giản hơn, không bê nguyên số tiết giống như học trực tiếp trên trường khiến học sinh phải nhìn vào màn hình quá lâu.

“Thấy con mệt mỏi, mình chỉ biết động viên con cố gắng tập trung vào 3 môn Toán, Văn, Anh. Chỉ mong sao các con sớm được quay trở lại trường học để yên tâm cho việc ôn thi cuối cấp”.

"Không thể thở nổi với chiếc máy tính”

Chị Lã Mai Huyền (Hà Nội) cũng rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” khi cả lớp học trên trường lẫn lớp học thêm của con đều phải chuyển sang hình thức trực tuyến.

“Dù con mới chỉ học lớp 2 và lớp 7 nhưng mình đã phải quay cuồng với việc học của con. Bạn lớp 2 không thể học online khi không có mẹ; còn với bạn lớp 7, bình thường mẹ vẫn cấm dùng smartphone, nhưng giờ lại phải giao máy tính cho con từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều thì thật nguy hiểm quá”.

Điều này cũng khiến chị Huyền nhấp nhổm không yên khi để hai con ở nhà để đi làm.

{keywords}

Học sinh dưới lớp 3 chưa thể tự học trực tuyến khi không có bố mẹ

Không thể nghỉ việc ở nhà, nữ phụ huynh cũng chỉ có thể dõi theo con từ xa. “Điện thoại mình lúc nào cũng phải để ở chế độ nhận thông báo từ nhóm lớp. Nào là rà soát nhóm xem cô giáo dặn in phiếu bài tập môn gì, nào là theo dõi xem con có vào lớp đúng giờ hay không để còn gọi điện nhắc con dậy học.

Có lần vì mải họp, mình tắt thông báo trong nhóm, sau đó quên kiểm tra lại nên không biết phải in phiếu bài tập cho con. Lần đó, con cũng bị cô giáo nhắc nhở, phê bình”.

Con học, mẹ cũng phải vất vả theo, nhưng chị Huyền cho rằng, việc trẻ phải ngồi hàng giờ trước máy tính cũng không dễ dàng gì.

“Mình đi làm hàng ngày, cũng phải tiếp xúc thường xuyên với máy tính. Có những khi nghe hội thảo online cả buổi, về nhà đầu cũng đau như búa bổ, không nhớ mình đã nghe những gì. Còn bọn trẻ hàng ngày phải học tới 6 – 7 tiết, chưa kể học thêm, thật khó để đòi hỏi trẻ tiếp thu được nhiều điều”.

{keywords}

Học sinh phải ngồi hàng giờ trước máy tính để học trực tuyến

Các lớp học thêm cũng chuyển sang học online khiến Hà Văn Dũng, học sinh lớp 9 tại Thái Bình phải ngồi trước máy tính gần như liên tục mỗi ngày.

“Nếu không phải học trên lớp hay học thêm, em cũng sẽ lên mạng tìm kiếm bài tập để luyện thêm các dạng. Việc phải ngồi liên tục như thế khiến em cảm thấy hơi nhức đầu và mỏi mắt, nhưng cũng không còn cách nào khác vì thời điểm thi cấp 3 đã rất cận kề”.

Ngoài học thêm môn Toán, Dũng còn được mẹ đăng ký thêm cho một khóa học tiếng Anh online. Từ việc chủ động học, giờ đây, nam sinh cảm thấy hơi quá tải và chán nản.

Thấy con xao nhãng, mẹ cậu càng thúc ép con cần phải tập trung hơn. “Bình thường, việc học đã quá áp lực rồi, mẹ còn thường xuyên giám sát khiến em cảm thấy bức bối, không muốn học nữa.

Đôi khi, em muốn giải tỏa bằng việc chơi game, nhưng mẹ lại cho rằng em không nghiêm túc với việc học”.

Đối mặt với lịch học kín mít, Dũng cho rằng, việc học online chẳng những không nhẹ nhàng mà còn nặng hơn so với việc học trên lớp.

“Em chỉ mong sớm được trở lại lịch học bình thường trên trường, vì giờ đây, có những lúc em cảm thấy ‘không thể thở nổi với chiếc máy tính”, nam sinh lớp 9 bộc bạch.

Thúy Nga

Học sinh tiểu học TP.HCM học online theo thời khóa biểu linh hoạt

Học sinh tiểu học TP.HCM học online theo thời khóa biểu linh hoạt

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, học sinh khối 1, 2, 3 học trực tuyến các môn Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ; Khối 4-5 học Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ, Khoa học, Lịch sử, Địa lý theo khung thời gian linh hoạt.