Lời khuyên của thầy thuốc là học sinh cần uống đủ nước và phải uống đúng với yêu cầu cơ thể bạn. 75% trọng lượng cơ thể chúng ta là nước, trong đó: ở bộ não là 85%; trong máu là 90%; ở thận là 82%; ở cơ bắp là 75% và ở xương là 22%...

Theo các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển - Uông Bí (Quảng Ninh), nước giúp vận chuyển oxy và các chất dinh dưỡng nuôi sống cơ thể; duy trì nhiệt độ cơ thể; đào thải các chất cặn bã qua hệ thống tiết niệu, tiêu hóa, hô hấp, da. Nước cũng là thành phần chính của chất nhờn bảo vệ các khớp xương… Có thể coi nước là "nhiên liệu" để "cỗ máy" cơ thể vận hành các hoạt động hàng ngày. 

Vậy học sinh uống nước thế nào là đủ?

Tùy theo độ tuổi, thân nhiệt, mức độ hoạt động của mỗi người và cả thời tiết… mà mỗi người lại có nhu cầu về nước khác nhau. Thông thường trung bình một người cần khoảng 2 lít nước/ngày. Tuy nhiên, để chính xác hơn, lượng nước mà cơ thể cần được tính bằng cách chia cân nặng tính theo kg cho 30.

Ví dụ, một học sinh 45kg sẽ cần lượng nước là 1,5 lít. Nếu học sinh tham gia hoạt động thể dục thể thao ra nhiều mồ hôi, vận động mạnh thì sẽ cần cung cấp lượng nước nhiều hơn lượng cơ bản theo cách tính này.

hocsinh.vnn35.1.jpeg
Trẻ cần được uống đủ nước để đảm bảo hoạt động học tập, vui chơi, thể thao mỗi ngày. Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Ở những trẻ thừa cân béo phì, 1 ly nước trước bữa ăn 10 phút sẽ làm giảm cảm giác thèm ăn. Sau bữa ăn 1-2 giờ, trẻ cũng có thể sử dụng 1 ly nước để thúc đẩy quá trình tiêu hóa. Nên nhớ không nên uống nước trong khi ăn vì có thể làm loãng dịch vị khiến cho việc tiêu hóa gặp khó khăn.

Thông thường, học sinh khó có thể nhận ra cơ thể thiếu nước nếu không có biểu hiện ra bên ngoài. Nếu thiếu nước nhẹ, học sinh dễ mệt mỏi, buồn ngủ, đi tiểu ít, táo bón, da khô, tăng nguy cơ viêm nhiễm họng, đường hô hấp, trẻ dậy thì và sau dậy thì còn dễ nổi mụn trứng cá.

Nếu học sinh thiếu nước trầm trọng sẽ dẫn đến rối loạn, tim đập nhanh; miệng khô và khát nước; không có mồ hôi, mắt khô và sưng đau…

Bác sĩ khuyên học sinh không nên chỉ uống nước khi khát mà cần tập thói quen uống nước vào một thời điểm nhất định trong ngày để vừa không quên uống nước lại vừa đảm bảo đủ lượng nước cần thiết. Mỗi buổi sáng, các bạn nhỏ nên bắt đầu với một cốc nước lọc ấm để khởi động ngày mới. Tiếp đó là thời điểm gần trưa, giữa chiều và sau bữa tối. Đó là khi khỏe mạnh, còn khi ốm đau như sốt, tiêu chảy… thì cần bổ sung nhiều nước hơn.

Cùng đó, cha mẹ nên chuẩn bị hoặc nhắc con chuẩn bị sẵn chai nước sạch bên người khi đi học, đi dạo chơi, đi tập thể dục,... để duy trì uống nước đều đặn thường xuyên. Luôn khuyến khích trẻ uống đủ nước khi tham gia các hoạt động thể lực vì đây là lúc cơ thể mất nhiều nước qua đường mồ hôi và qua hơi thở.

Lượng nước đưa vào cơ thể không chỉ có nước tinh khiết, mà còn bao gồm cả nước trong thức ăn như rau, canh, hoa quả, nước uống như trà chanh, nước ép… Đặc biệt, thầy thuốc khuyên học sinh không thay nước tinh khiết bằng đồ uống có ga hay rượu, bia bởi chúng là kẻ thù lấy đi lượng nước trong cơ thể chứ không phải nguồn bổ sung nước.

Học sinh mắc các bệnh như tim mạch, thận, cần uống nước theo lời khuyên của bác sĩ, bởi uống thừa nước với những trường hợp này có thể gây hại do tim, thận hoạt động quá tải. 

Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 được ban hành nhằm duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh trong trường học nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh.

Về chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe học sinh trong trường học, chương trình đặt ra một số mục tiêu:

- 75% trường học cung cấp đủ nước uống và nước sạch cho sinh hoạt, hoạt động trong trường học bảo đảm chất lượng theo quy định.

- 80% trường học bảo đảm các điều kiện thực hiện công tác y tế trường học, chăm sóc sức khỏe học sinh theo quy định...

Minh An