Tăng cường chất lượng dịch vụ công trực tuyến thiết yếu

Từ ngày 1/7/2021, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG về DC) đã chính thức được đưa vào sử dụng, đây là cơ sở quan trọng để làm nền tảng cho việc định danh và xác thực điện tử. Do vậy, cần thiết phải hoàn thiện ngay cơ sở pháp lý về định danh và xác thực điện tử với mô hình tập trung, thống nhất, chỉ cung cấp một danh tính điện tử duy nhất đối với cá nhân và thực hiện hoạt động kết nối, chia sẻ thông tin giữa CSDLQG về DC, cơ sở dữ liệu khác.

{keywords}
Người dân tra cứu hồ sơ trực tuyến  

Ngày 8/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 34/2021/QĐ-TTg quy định về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân và cơ sở dữ liệu về xuất nhập cảnh. Tuy nhiên, những quy định tại Quyết định này chưa cụ thể, rõ ràng nên yêu cầu đặt ra là cần phải xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để quy định cụ thể các nội dung liên quan về định danh và xác thực điện tử.

Chính vì vậy, việc xây dựng và ban hành Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử là rất cần thiết, đặc biệt là trong quá trình triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Chính phủ cũng như phục vụ người dân và doanh nghiệp có thể sử dụng nhiều dịch vụ công trực tuyến thiết yếu.

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử. Bộ Công an đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập có thành viên là đại diện các bộ, ngành liên quan. Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định, Bộ Công an đã nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm mô hình xây dựng định danh và xác thực điện tử của một số quốc gia như: Singapore, Estonia, Ấn Độ, Phần Lan, Hà Lan, Hàn Quốc..., đã hội thảo với các chuyên gia, nhà khoa học, và các tổ chức có liên quan đến định danh điện tử (Vnpost, Mobifone, VNPT, World Bank).

Đề án 06 đặt ra với từng bộ, ngành đã rất rõ ràng, tuy nhiên còn một số vướng mắc cần khắc phục như về thể chế, quy trình, công nghệ để thực hiện thông suốt từ trung ương xuống cơ sở để người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng. Thứ trưởng khẳng định: với hệ thống Công an 4 cấp, đặc biệt, là lực lượng Công an chính quy ở các xã sẽ giúp các bộ ngành xuống tận cơ sở sẽ hoàn thành dữ liệu chuyên ngành của từng đơn vị trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang được Bộ Công an đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” trên toàn quốc.

Để Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử ra đời, đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công và các giao dịch khác, Bộ Công an cũng đề nghị Cục kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) tiếp tục phối hợp chặt chẽ, trao đổi với nhau làm việc với các cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng dự thảo.

Tạo ra bước đột phá lớn về cải cách thủ tục hành chính

Đề án 06 được xác định là Đề án trực tiếp liên quan đến các đột phá chiến lược, lợi ích của người dân, doanh nghiệp và của quốc gia.

Việc triển khai Đề án góp phần thực hiện ba khâu đột phá chiến lược, trong đó có đột phá chiến lược về xây dựng hạ tầng đồng bộ mà hết sức quan trọng là hạ tầng giao thông, hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu, hạ tầng số và hạ tầng xã hội. Đồng thời, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp trên tinh thần lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển.

Đề án được triển khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết nối với các nền tảng khác để khai thác tối đa hiệu quả, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, công dân số, kinh tế số; giúp công tác quản lý thống nhất, tập trung, minh bạch, thuận lợi, tiết kiệm (chi phí, thời gian, công sức…) và hiệu quả nhiều mặt.

Ngọc Ánh