Theo đó, Nghị quyết Đại hội Đảng đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,5 - 7%/năm trong giai đoạn 2021-2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD đến năm 2025.
Mục tiêu kế hoạch để toàn Đảng, toàn dân phấn đấu đến năm 2045 cũng không còn bao nhiêu thời gian mà tham vọng của chúng ta thì lớn. Ngoảnh đi ngoảnh lại cũng chỉ là 5 cái kế hoạch 5 năm.
Dù đó là mục tiêu rất khả thi nhưng nếu ngay từ bây giờ chúng ta không phấn đấu thật bài bản, cụ thể cho từng giai đoạn ngắn thì cũng rất khó biến thành hiện thực.
Ảnh minh họa. Mạnh Hưng |
Bởi trong bối cảnh Covid hoành hành, kinh tế thế giới bất định và nền kinh tế đang đối diện với nhiều nút thắt mang tính cơ cấu không tháo gỡ nổi trong nhiều năm.
Do đó, giới chuyên gia góp bàn, vấn đề trọng tâm nhất trong xây dựng thể chế cho phát triển cấu trúc mới, đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập mà chúng ta đang còn 'nợ'".
Ông Trần Đình Thiên nhận xét, 5 thị trường nhân tố sản xuất (đất đai, lao động, năng lượng, khoa học - công nghệ, hàng hóa) cần phát triển thực chất và khu vực kinh tế tư nhân phải phát triển lành mạnh để thúc đẩy nền kinh tế thị trường.
Theo ông, trong 5 loại thị trường, chỉ có thị trường tiêu dùng phát triển theo quy luật thị trường, còn tất cả các thị trường khác rất méo mó.
Cần đặt câu hỏi tại sao thị trường tư liệu sản xuất khó phát triển, trong khi thị trường tiêu dùng lại phát triển dễ dàng?
Nhận thức về phát triển thị trường kém, cơ chế phân bổ nguồn lực không tuân theo nguyên tắc thị trường, cơ chế xin - cho còn phổ biến, tư duy kế hoạch tập trung làm các thị trường vận hành thiếu đồng bộ, ông nói.
Theo nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung, điểm yếu cốt tử của nền kinh tế hiện nay là hiệu quả sử dụng nguồn lực rất thấp, đặc biệt là hiệu quả đầu tư.
Ông Nguyễn Đình Cung tính toán, với mức đầu tư thuộc loại cao, bằng khoảng 1/3 GDP, nếu hiệu quả đầu tư (ICOR) của Việt Nam đạt tương đương Hàn Quốc giai đoạn 1961-2000 (ICOR = 4), hay của Nhật Bản giai đoạn 1955-1973 (ICOR = 3), thì nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 8,5 - 11%, thay vì trung bình khoảng 5,9%/năm trong thời kỳ 2011-2020.
Điều đáng lưu ý là, xu hướng tăng trưởng đang giảm dần khá rõ nét. Giai đoạn 1991-2000 tăng trưởng bình quân đạt 7,58%; giai đoạn 2001-2010 đạt 6,8%, 2011-2020 ước đạt khoảng 6,4% (nếu không có dịch Covid-19), và nay chỉ còn khoảng 5,9% mà thôi. Nhìn chung, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư vẫn ở mức thấp và chưa có cải thiện đáng kể.
“Thay đổi căn bản thể chế về cách thức phân bố và sử dụng nguồn lực xã hội được xác định là một trọng tâm cải cách để tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng”, ông Cung nói.
Theo ông, các chủ trương, giải pháp lớn nói trên bao gồm hoàn thiện thể chế về thị trường các yếu tố sản xuất, bảo đảm để thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bố hiệu quả sử dụng nguồn lực; thực hiện phân bố nguồn lực theo nguyên tắc thị trường vào những ngành, lĩnh vực và vùng có hiệu quả cao, có tác động lan tỏa; khắc phục tư tưởng bao cấp, xin cho, ỷ lại của các cấp, các ngành, địa phương và trong xã hội.
Trong khi đó, ông Võ Trí Thành nhắc lại 6 quan điểm phát triển đã nêu trong Báo cáo Việt Nam 2035 do WB hỗ trợ như là các nhiệm vụ phát triển đất nước tới đây.
Đó là hiện đại hóa kinh tế và phát triển khu vực tư nhân; xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; nâng cao hiệu quả kinh tế của đô thị hóa và phát triển lãnh thổ; phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; đảm bảo công bằng và thúc đẩy hòa nhập xã hội; tạo dựng thể chế hiện đại và nhà nước hiệu quả.
Những nút thắt phát triển trên, nếu được tháo gỡ, sẽ biến thành bệ phóng cho cả nền kinh tế.
Mạnh Hưng