Lấy thông tin người khác, mở tài khoản banking ảo trong 30 phút
Ngô Thế Hào là tên một tài khoản Facebook, giới thiệu sinh năm 1992, ở Hà Nội. Hào là một trong 14.300 thành viên của nhóm kín “ATM - Tài khoản ngân hàng”.
Anh ta nói mình có thể mở được tài khoản banking của nhiều ngân hàng, kể cả ngân hàng lớn, giá từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng. “Không cần thông tin chính chủ, tôi sẽ bao hồ sơ từ A - Z, bao làm chứng minh thư giả. Khách chỉ cần gửi họ tên theo ý thích, gmail và số điện thoại nhận mã OTP, sau 30 phút là có một tài khoản”, Hào quảng cáo.
Với những ngân hàng lớn, Hào phải làm “tại quầy” song hắn “có cách mở riêng” vì “quen mấy nhân viên”. Khi mở tài khoản thành công, Hào sẽ gửi thông tin và mật khẩu cho khách kiểm tra, thẻ ATM cứng được phát về tận nhà.
Nếu khách hàng lo bị lừa, Hào đề nghị thanh toán qua người trung gian, có trả phí từ 10-20%. Khi mở tài khoản thành công, người trung gian sẽ chuyển tiền cho Hào. Nếu không được, họ sẽ chuyển trả lại khách.
“Bạn vào nhóm hỏi ai cũng biết N.C.Long, người chuyên nhận trung gian. Giao dịch xong Long sẽ tính phí, bạn chuyển 2 triệu, trả phí 25.000 đồng. Nếu không muốn nhì nhằng thì cứ chuyển trực tiếp cho mình trước”, Hào nói.
Hào tư vấn cho người có nhu cầu làm tài khoản banking ảo
Trong nhóm kín đó, một thành viên khác tên V.T cũng cung cấp dịch vụ làm tài khoản banking ảo, giá từ 500.000 - 1.500.000. V.T cho biết có thể lấy thông tin của bất kỳ ai để đăng ký.
“Bạn cần chuẩn bị một cái tên bất kỳ và số điện thoại, tôi sẽ làm trong 20 phút, đảm bảo tài khoản đúng thông tin yêu cầu. Khi có tài khoản, tôi sẽ chụp màn hình cho bạn xem. Nếu đúng, bạn thanh toán xong tôi gửi mật khẩu”, V.T tư vấn và cho biết mình đã có kinh nghiệm hơn 2 năm, mỗi ngày làm khoảng 20 cái tài khoản, chuyên phục vụ người “bùng tiền” vay qua app.
Ngoài làm tài khoản banking theo yêu cầu, V.T còn bán các tài khoản có sẵn. Các thẻ này có đầy đủ chức năng, bao gồm thẻ cứng, banking và sim OTP. “Những thẻ này là thông tin thật, được thu mua từ sinh viên và xe ôm, giá 1 triệu rưỡi”, V.T nói.
Liên hệ ngân hàng BIDV về tình trạng mở tài khoản banking ảo, đại diện BIDV cho biết “Việc đăng ký tài khoản banking phải tuân thủ các quy định. Phía ngân hàng thường xuyên cảnh báo khách hàng bảo mật thông tin cá nhân thông qua các kênh như: tin nhắn sms, Facebook, website, tin nhắn trên app điện thoại. Khi phát hiện có tài khoản banking ảo do bị đánh cắp thông tin đăng ký, khách hàng có thể liên hệ qua tổng đài”.
Vay tiền qua app rồi trao đổi cách “bùng”
Hiện trên mạng có rất nhiều trang web và app (ứng dụng) cung cấp dịch vụ cho vay trực tuyến với thủ tục siêu đơn giản và nhanh gọn. Người muốn vay tiền nhanh chỉ cần đáp ứng 3 điều kiện chính: Có tài khoản ngân hàng để nhận giải ngân, CMND/CCCD còn hiệu lực, gmail và số điện thoại. Ngoài ra, còn một số thông tin khác như tên công ty, chức vụ, bảng lương, thẻ nhân viên...
Toàn bộ quy trình vay được thực hiện online và giải ngân trong vòng 15 phút, muộn nhất là 1 ngày. Người vay không cần thế chấp, cũng không cần chứng minh tài chính hay thẩm định trả nợ. Kể cả dính nợ xấu, họ vẫn có thể vay từ các công ty tài chính và các app này tối đa vài chục triệu đồng.
Hiểu rõ cách vay đơn giản và phương thức “đòi tiền” của các app, nhiều người trộm thông tin của người khác, làm giả CMND/CCCD và tài khoản banking để đi vay app rồi “bùng” tiền.
Nhiều người chia sẻ cho nhau kinh nghiệm vay app và các app giải ngân nhanh chóng
Ngô Thế Hào không chỉ cung cấp dịch vụ làm giả tài khoản banking mà còn nhiệt tình hướng dẫn thành viên mới gia nhập hội “bùng” tiền qua app. Hào khoe: “Năm ngoái ăn được 700 triệu tiền đập app, nhưng thế chưa là gì, tôi quen đứa con gái trong miền Nam ăn được 3 tỷ, mua được nhà với ô tô”.
Để làm được như vậy, Hào nói mình phải đầu tư “gần 100 cái sim và điện thoại đen trắng, máy in con dấu, máy ép, 5 cái máy tính, máy giả giọng bố mẹ để phòng khi bên app gọi điện thẩm định”. Ngoài ra, hắn nói phải trang bị kỹ năng photoshop để làm giả ảnh, thẻ nhân viên, bảng lương,...
“Đầu tiên, phải làm tài khoản banking ảo để nhận tiền giải ngân từ các app. Khi tiền về thì chuyển từ tài khoản đó sang tài khoản của mình để rút. Như vậy mới khó bị phát hiện. Ông muốn chơi thì chuyển phí làm banking trước. Xong tôi khuyến mại cho bảng lương với thẻ nhân viên.
Nếu ông tin tưởng thì giao tất cả cho tôi, đầu tư tiền cho tôi làm, ăn chia 50-50”, Hào nói và cho biết mình là “đệ tử của một trong 3 người có tiếng nói nhất” của “Hội bùng app vay tiền và chia sẻ cách đối phó” trên Facebook.
Hào khoe đầu tư nhiều thứ để vay được tiền qua app
Hội này được lập khoảng 7 tháng trước, có hơn 31.000 thành viên. Mỗi ngày, nhóm có ít nhất 30 bài viết liên quan việc vay và “bùng” tiền. Đa số đều là câu hỏi, chia sẻ kinh nghiệm để vay và đối phó việc đòi nợ của app.
Bài nổi bật nhất được ghim lên đầu trang là của tài khoản Bảo Nam, admin hội này. Nam chia sẻ cho các thành viên các app dễ “bùng” và những mẹo để được duyệt vay.
“Anh em chụp hình CMND/CCCD phải đủ sáng rõ nét, bao đẹp, nếu không sẽ bị loại ngay từ vòng gửi xe. Tài khoản ngân hàng phải trùng với CMND, nếu chưa có tài khoản ngân hàng thì đăng ký ngay.
Tùy theo tuổi của mình mà đăng ký lương tầm 7-12 triệu sao cho phù hợp, đừng khai cao quá. Hãy chọn một công việc ổn định như kế toán, nhân viên văn phòng hoặc quản lý, bác sĩ hoặc công nhân. Chọn bừa một công ty gần bạn, tìm trên mạng đầy! Lần đầu vay ít thôi, khoảng 500 nghìn - 1 triệu thì sẽ dễ được duyệt”, Nam viết và chia sẻ cho các thành viên 34 app khác nhau để vay tiền.
Thấy nhiều người bình luận lo sợ hậu quả sau khi bùng tiền, Nam khẳng định: “Bùng app không bị nợ xấu nên anh em cứ mạnh dạn, đừng để chúng nó dọa mà sợ, mình càng cứng nó càng không dám làm gì. Vào hội này để bùng nên đừng ai hỏi mấy câu ngớ ngẩn là app này bùng được hay không. Vay app là để bùng chứ trả thì vay làm gì, mà đã bùng phải chấp nhận hậu quả của nó là phiền bạn bè người thân. Được cái nọ mất cái kia thôi, không có gì là miễn phí”.
Bài đăng của Nam trong hội nhóm kín có hơn 31.000 thành viên
Vì thủ tục vay tiền đơn giản nên nhiều người trong hội trên được giải ngân thành công. Họ thậm chí vay thêm nhiều app cùng một lúc để thu về một khoản lớn. Đến hạn trả tiền gốc và lãi, họ tìm cách để “bùng”.
Khi đến hạn mà không thấy trả, phía app sẽ liên hệ người đứng tên tài khoản banking, CCCD chính chủ để đòi nợ, khiến nhiều nạn nhân phải ngỡ ngàng vì “chưa từng vay”.
Nạn nhân cầu cứu: “Tôi không vay cũng bị đe dọa đòi tiền”
Lê Thảo, 28 tuổi, ở Hà Nội, là nạn nhân bị nhắn tin đòi tiền dù không vay. Từ giữa tháng 3/2022, Thảo liên tục nhận được tin nhắn cảnh cáo phải đóng tiền cho 3 app khác nhau, lần lượt là 7.650.000 đồng, 2.400.000 đồng, 1.000.000 đồng.
Đến ngày 29/3, Thảo tiếp tục nhận được một tin nhắn đe dọa phải trả nợ, được gửi đến từ một số điện thoại lạ. Nội dung tin nhắn là: “Thảo đang vi phạm nghiêm trọng hợp đồng vay, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Yêu cầu thanh toán nợ trước 15h ngày 1/4. Nếu kéo dài, chúng tôi xuống tận nhà”.
Tin nhắn đòi tiền Thảo nhận được, dù không vay trước đó
Việc nhắn tin, gọi điện kéo dài khiến Thảo bức xúc: “Tôi phải dùng ứng dụng chống làm phiền, nếu không họ gọi 10-20 cuộc một ngày khiến tôi thấy phiền kinh khủng. Ngoài gọi điện, nhắn tin cho tôi, họ còn khủng bố điện thoại chị dâu tôi để đòi nợ. Gia đình tôi đang hết sức bực mình vì phải liên quan khoản nợ không biết ở đâu rơi xuống”.
Thảo sau đó phải gọi điện cho tổng đài của app để hỏi rõ, mong giải quyết dứt điểm. “Khi hỏi số hợp đồng, thông tin người vay, giải ngân vào tài khoản nào thì họ cung cấp rất rõ ràng. Các thông tin người vay đúng là của tôi nhưng bằng cách nào đó tài khoản ngân hàng của mình không nhận được đồng nào cả. Tôi hỏi họ hợp đồng vay có chữ ký của tôi không thì họ không trả lời được”, Thảo kể.
Thảo bức xúc khi liên tục nhận được tin nhắn đòi nợ
Nghi thông tin cá nhân bị hack và bị lợi dụng để vay tiền qua app, Thảo lên mạng cầu cứu và hỏi cách giải quyết song đến nay vẫn bị nhắn tin đòi nợ.
“Nếu thời gian tới tiếp tục bị đe dọa thì tôi sẽ làm đơn ra công an. Giờ tôi chỉ hy vọng công an tìm ra được những kẻ đứng đằng sau app, web và người trộm thông tin của tôi, để tôi và gia đình không bị làm phiền”, cô gái 28 tuổi nói.
“Kẻ xấu sẵn sàng bùng tiền vì biết app cũng vi phạm pháp luật”
Nắm bắt sự việc, luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty Luật Minh Bạch, cho rằng bên cạnh những app cho vay tiền online của tổ chức tín dụng được pháp luật cấp phép thì còn xuất hiện những app cho vay không chính thống với mức lãi suất cao vượt quá mức quy định của pháp luật.
“Có thể kẻ xấu biết những kẽ hở đằng sau các app cho vay không chính thống nên mới dám bùng tiền. Họ cho rằng những app này không thể đưa vụ việc ra ngoài pháp luật để giải quyết vì bản thân app cũng đang vi phạm pháp luật vì cho vay lãi và phí cao.
Chính vì vậy, kẻ gian dùng những thủ đoạn làm giả hoặc đánh cắp thông tin cá nhân của người khác để vay của nhiều app khác nhau, đút túi khoản tiền lớn. Có thể thấy, cả bên vay và bên cho vay đều vi phạm pháp luật”, luật sư Tuấn Anh phân tích.
Luật sư Tuấn Anh, Công ty Luật Minh Bạch
Nói về thủ tục vay online, luật sư cho rằng quy trình duyệt hồ sơ tự động chưa đủ nghiêm ngặt chính là khoảng trống của việc cho vay qua app.
“Để thu hút người vay, các app thường bỏ qua khâu xác thực thông tin khách hàng cung cấp. Từ thủ tục vay đơn giản, không cần thế chấp hay không cần trực tiếp xác minh đã tạo điều kiện cho người vay gian lận.
Người vay khi đó có thể đánh cắp, sử dụng trái phép thông tin của người khác, hay dùng sim rác, tài khoản mạng xã hội ảo, danh bạ ảo, giấy tờ giả để mở khoản vay, khiến nhiều nạn nhân rơi vào cảnh không vay cũng bị đòi tiền”, luật sư nói.
Để giải quyết tình trạng này, các app cho vay online cần phải có bước xác minh thông tin một cách chính xác, đúng người, đúng khoản vay.
Nếu suy xét sâu hơn, mấu chốt của vấn đề này là việc lộ thông tin cá nhân. Vì bảo mật thông tin chưa tốt nên mới dẫn đến tình trạng rò rỉ, rao bán thông tin cá nhân, khiến nạn nhân rơi vào những trường hợp khó xử.
Thẻ ATM và tài khoản banking rao bán trên mạng
Khi thông tin cá nhân bị rò rỉ, kẻ xấu có thể đánh cắp và lợi dụng để thực hiện những hành vi trái pháp luật, khiến nạn nhân gặp nhiều rủi ro, kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng.
“Về mặt pháp lý, vì là người đứng tên khoản vay và tài khoản ngân hàng, nạn nhân có rủi ro phải chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ khoản vay.
Ngoài rủi ro tài chính, kẻ xấu có thể đe dọa an ninh, an toàn của nạn nhân vì chúng nắm rõ thông tin về địa chỉ, nơi ở. Chúng có thể đe dọa, quấy nhiễu, hành hung gây thương tích khiến cuộc sống của nạn nhân bị đảo lộn”, luật sư Tuấn Anh cho biết.
Trường hợp không vay cũng bị nhắn tin, gọi điện đòi nợ, hoặc bên đòi nợ với những hành vi đe dọa, tạt sơn, hành hung, nạn nhân cần trình báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được can thiệp, giúp đỡ.
Các giấy tờ cần chuẩn bị gồm: đơn tố cáo; giấy tờ, chứng cứ chứng minh việc bản thân không vay tiền và bị làm phiền, khủng bố điện thoại, bị đe dọa, hành hung gây thương tích; những bản ghi âm cuộc gọi, tin nhắn đe doạ, thông tin về bên cho vay tiền, bên đòi nợ kèm các số điện thoại, thông tin của bên cho vay, bên đòi nợ.
Bộ Công an cảnh báo hành vi dùng tài khoản ảo để nhận tiền lừa đảo
Hôm 31/3, Bộ Công an đưa ra cảnh báo về thủ đoạn sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ để làm địa chỉ nhận tiền lừa đảo.
Thẻ ngân hàng và tài khoản banking được rao bán tràn lan trên mạng
Theo đó, các đối tượng dùng nhiều chiêu lừa người dân cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP để mở tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, kẻ xấu mua lại các tài khoản này của người dân có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều người bị dụ dỗ, không biết việc mình mở tài khoản để bán, cho thuê, cho mượn là vi phạm pháp luật, từ đó tạo điều kiện cho tội phạm sử dụng làm công cụ thực hiện lừa đảo trên không gian mạng.
Qua nhiều sự vụ gần đây, Công an khuyến cáo người dân không mua, bán tài khoản cá nhân. Trường hợp đã từng mở tài khoản ngân hàng sau đó chuyển cho người khác sử dụng, người dân cần mang giấy tờ cá nhân đến ngân hàng để làm thủ tục đóng tài khoản đó nhằm bảo vệ mình, đồng thời ngăn chặn các đối tượng sử dụng tài khoản làm công cụ phạm tội.
Bên cạnh đó, người dân không nên cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu của các tài khoản mạng xã hội, ngân hàng, ví điện tử và mã OTP cho những người lạ hoặc chuyển tiền cho tổ chức, cá nhân mạo danh cán bộ, cơ quan nhà nước để giải quyết các thủ tục pháp lý.
Vay tiền rồi "bùng" có thể bị phạt tù chung thân
Hành vi sử dụng thông tin cá nhân chính thống hoặc làm giả thông tin, sử dụng trái phép thông tin cá nhân của người khác để vay tiền online qua app rồi quỵt nợ, có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo đó, chỉ cần bùng tiền vay qua app, chiếm đoạt số tiền từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này thì người thực hiện hành vi đã có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù tối đa lên đến 20 năm hoặc tù chung thân, tùy theo số tiền và tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
(Theo Tổ Quốc)