Hôm 13/6, khi chủ trì cuộc họp thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã nêu ra ý tưởng định hướng với khu vực đô thị trung tâm của Hà Nội theo mô hình đô thị nén, trong nhà có vườn cây, trong thành phố có rừng.

Theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ, quy hoạch cần đặt ra tiêu chí, nguyên tắc, yêu cầu đối với việc xây dựng, chỉnh trang, cải tạo ở các khu đô thị hiện hữu, phát triển khu đô thị mới phù hợp với hình thái quy hoạch - kiến trúc đặc trưng cho đô thị Hà Nội; xác lập vành đai khu vực nông thôn, thành thị đúng bản sắc, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên.

"Đối với khu vực đô thị trung tâm cần nghiên cứu mô hình nhà xây nén, đô thị nén nhưng trong nhà có vườn cây, trong thành phố có rừng", Phó Thủ tướng gợi mở và lưu ý quan điểm "Quy hoạch dẫn dắt phát triển hạ tầng giao thông. Giao thông dẫn dắt phát triển đô thị. Đô thị dẫn dắt nguồn lực thực hiện quy hoạch".

Giới chuyên gia, các nhà kinh tế đánh giá đây là một ý tưởng thực tế và là giải pháp cho bài toán đô thị ở Việt Nam. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới và thực tế ở Việt Nam cho thấy điều này.

W-rungtrongtp-1.png

Quận 4 TP HCM có diện tích nhỏ 4,18 km2, nhưng mật độ dân số và nhà ở cao nhất cả nước (hơn 42.000 người và gần 11.000 căn nhà/km2). Về cơ bản, gần như toàn bộ diện tích đất đã được xây nhà với đa phần các căn nhà có tỷ lệ xây dựng 100%. Đất dành cho giao thông rất khiêm tốn (chưa đến 10%), và đất dành cho các tiện ích công cộng khác, đặc biệt là công viên và không gian xanh gần như bằng không.

"Cư dân sống trong các hình thái đô thị và nhà ở như vậy về cơ bản không có không gian sinh hoạt chung ngoài trời. Sự tương tác xã hội và hoạt động thể dục rất hạn chế. Xe máy là phương tiện phù hợp nhất; trong khi rất khó để phát triển giao thông công cộng và không thể đi bộ. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe và thể chất của mỗi người", ông Huỳnh Thế Du đánh giá. 

Ông Du cho rằng, Singapore là một câu chuyện thực của mô hình đô thị nén, trong nhà có vườn cây, trong thành phố có rừng mà Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nêu ra trong cuộc họp thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Khái niệm có rừng trong nội đô các nước đã làm từ rất lâu, đặc biệt là các nước phát triển. Ngay ở Hà Nội cũng có vườn bách thảo- được quy hoạch từ rất lâu, và mới đây Công viên thống nhất cũng đã được phá bỏ tường rào xung quanh, để người dân dễ dàng tản bộ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh - giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội - nói gợi mở của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà là một định hướng. Hà Nội hiện tại có tới 60 - 70% là đất xanh, đương nhiên với những khu vực mới trong đô thị vệ tinh thì chuyện xây dựng TP có rừng là hoàn toàn có thể.

Các công viên như Thống Nhất… cũng không thể hình thành được rừng trong phố, mà đấy là công viên trong phố, mỗi khu vực có một định hướng riêng. Đây là vấn đề bảo đảm tính khả thi chứ không hô khẩu hiệu, đương nhiên vấn đề Hà Nội đang có tỉ trọng 60% đất cây xanh thì việc có rừng trong thành phố hoàn toàn nằm trong khả năng nghiên cứu của thành phố.

Hình thái đô thị hiện đại nêu trên làm cho chất lượng cuộc sống cao hơn hẳn. Đây là điều mà các đô thị Việt Nam, nhất là Hà Nội và TPHCM nên hướng đến.

Suy cho cùng, kiến trúc/Quy hoạch, mọi thứ đều phải hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Nhưng sâu sắc hơn nữa là hướng đến phục vụ cuộc sống con người càng hạnh phúc hơn.

Thùy Chi và nhóm PV, BTV