Nhằm ứng phó với tình hình khô hạn, thiếu nước ngọt trong mùa khô hiện nay, ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ đã khuyến cáo, vận động, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, canh tác, sử dụng các loại cây trồng sử dụng ít nước tưới thay dần cho cây lúa, vừa tiết kiệm được lượng nước sử dụng vừa tăng thu nhập.
Đến nay, nông dân tại các quận, huyện của thành phố Cần Thơ đã xuống giống được hơn 2.269 ha vừng vụ Hè Thu 2020, cao hơn so với cùng kỳ năm trước là 1.713 ha; trong đó, chủ yếu là trồng vừng trên nền đất lúa, tập trung tại các quận Thốt Nốt, Ô Môn, huyện Cờ Đỏ và huyện Vĩnh Thạnh.
Chuyển đổi cơ cấu sản xuất, canh tác, sử dụng các loại cây trồng sử dụng ít nước tưới thay dần cho cây lúa, vừa tiết kiệm được lượng nước sử dụng vừa tăng thu nhập cho bà con. |
Vừng là loại cây trồng có khả năng chịu nắng hạn tốt nên thích hợp sản xuất trong vụ Hè Thu, giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất và tránh nguy cơ bị thiếu nước tưới, nhất là tại những khu vực đất gò cao ở khu vực ven sông Hậu. Những năm qua, nhiều ruộng vừng được sản xuất trên nền đất lúa giúp nông dân thu được mức lãi cao gấp từ 2 - 3 lần so với sản xuất lúa Hè Thu.
Trong vụ Hè thu năm ngoái, nhiều nông dân sản xuất vừng có thể đạt lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/ha nhờ vừng trúng mùa, trúng giá.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, hiện nông dân tại thành phố xuống giống gieo trồng rau, màu, đậu các loại và cây công nghiệp ngắn ngày là 9.282 ha, cao hơn cùng kỳ là 2.491 ha; trong đó, diện tích trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày như vừng, đậu tương… ở mức 2.294 ha, cao hơn cùng kỳ 1.716 ha, còn lại là các loại rau màu khác...
Đây cũng là một trong các giải pháp được các nhà khoa học khuyến khích nông dân áp dụng để vừa tăng thu nhập cho nông dân, vừa hạn chế được sâu bệnh trên lúa, tiết kiệm được lượng nước sử dụng và có thể sản xuất bền vững.
Ngọc Dũng