Cách đây hai năm, tôi đã đau đớn đi từ bỏ giọt máu của mình vì trót dại, sau đó tôi và anh cũng chia tay nhau.

Tuy nhiên, sau khi phá thai, tôi bị ra máu rất nhiều và kéo dài, tôi đi khám thì được bác sĩ cho thuốc uống. Từ đó cho đến nay, kinh nguyệt của tôi rất thất thường, mỗi lần có lại thường kéo dài khá lâu và màu kinh rất sẫm.

TIN BÀI KHÁC
(ảnh minh họa)
Tôi đang có dự định kết hôn song rất lo lắng về khả năng làm mẹ của mình. Xin chị Ban Mai cho tôi lời khuyên có nên kết hôn hay không? Vì nếu kết hôn mà không có con, tôi chắc chắn chúng tôi sẽ nhanh chóng chia tay?
Như Nguyệt,  25 tuổi, Long An

Bạn thân mến,

Xin được chia sẻ với những cảm xúc hiện có của bạn. Theo chúng tôi, bạn nên bình tâm để giải quyết vấn đề, không nên quá lo lắng, vì điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng làm mẹ của bạn.

Việc đầu tiên, bạn nên đến một bệnh viện lớn, có đầy đủ trang thiết bị hiện đại cùng chuyên môn về Sản – nhi, sau đó bạn hãy kể lại cho bác sĩ nghe mọi chuyện về câu chuyện đi phá thai của bạn 2 năm về trước (khi ấy bạn phá thai ở cơ sở y tế nào? Đó có là cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ chuyên khoa và là nơi có đầy đủ phương tiện kỹ thuật để đảm bảo nhiều nhất cho việc phá thai của bạn được an toàn không? Bạn phá thai khi thai nhi được bao nhiêu tuần tuổi? Bạn đã được thực hiện phá thai bằng phương pháp nào?)

Sau đó, bạn nên yêu cầu bác sĩ khám phụ khoa cho bạn để xác định chính thức tình trạng của bạn hiện nay. Sau khi thăm khám phụ khoa ban đầu, bác sĩ sẽ có thể cho xét nghiệm máu, dịch, nước tiểu, soi cổ tử cung và siêu âm (tử cung, hoạt động của buồng trứng). Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ thực hiện việc chụp thêm tử cung vòi trứng. Đây là quy trình cơ bản nhất dành cho những người nghi ngờ hiếm muộn. Còn với mỗi người với mỗi mục đích khác nhau, dựa trên tình trạng mà bác sĩ thăm khám phụ khoa ban đầu để có được những hướng dẫn thăm khám cụ thể cho từng trường hợp.

Bạn thân mến, trong cuộc sống đôi khi cũng xảy ra những điều ngoài ý muốn. Bỏ thai là điều cần thiết trong một số trường hợp mà người phụ nữ chưa muốn và chưa sẵn sàng cho việc có thai như tình huống đã qua của bạn. Do đó, bạn không nên quá đau buồn và suy nghĩ nhiều về chuyện này. Bạn nói rằng bạn đang dự định cho đám cưới của mình, thế thì theo tôi, chẳng có lí do gì để bạn phải suy nghĩ quá nhiều về quá khứ cả. Hãy sống vui vẻ và chuẩn bị cho đám cưới của mình một cách tốt nhất!

Như bạn cũng thấy, có rất nhiều người bỏ thai, thậm chí bỏ thai nhiều hơn một lần nhưng họ vẫn tiếp tục mang thai và sinh con bình thường. Cũng có một số rất ít người không may mắn là không thể mang thai vì một số điểm liên quan đến lần phá thai trước đây của họ (như dính, rách, thủng tử cung ngay trong thời điểm họ phá thai, hoặc bị biến chứng của nhiễm khuẩn sau phá thai mà họ không biết, không được điều trị…)

Khi nào bạn kết hôn hoặc bắt đầu có quan hệ tình dục thường xuyên mà không hề sử dụng biện pháp tránh thai nào trong vòng 6 tháng trở lên (với người đã từng có thai) và 1 năm trở lên (với người chưa từng có thai) mà chưa thấy có thai, khi ấy bạn mới cần đến sự can thiệp của bác sĩ. Và việc khó mang thai sau này nhiều khi không liên quan đến việc một người đã từng phá thai mà có thể vì những nguyên nhân khác, nhiều khi lại liên quan đến người nam chứ không hẳn là người nữ.

Chúc bạn sức khỏe và mọi điều tốt lành!

Chị Ban Mai

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề tình cảm, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).