Khi làn sóng chống lại Facebook đang ngày càng lớn mạnh, CEO Mark Zuckerberg vẫn có thể thoải mái nghỉ ngơi mà không cần quá lo lắng.
Trong bối cảnh bị yêu cầu xem xét kỹ lưỡng hoạt động kinh doanh sau một loạt sự cố quyền riêng tư, các cổ đông Facebook đã đưa ra đề xuất loại bỏ Zuckerberg khỏi ghế Chủ tịch công ty.
Tại cuộc họp cổ đông thường niên ngày 30/5, khoảng 83% nhà đầu tư độc lập đã yêu cầu thay đổi cơ cấu bỏ phiếu, nhằm hạn chế sức ảnh hưởng quá lớn của Zuckerberg lên Facebook.
Quyền bỏ phiếu cũng quyết định liệu Zuckerberg có thể tiếp tục vai trò Chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành công ty hay không. Và đây có phải thời gian thích hợp để Facebook tách rời 2 vị trí này.
Mark Zuckerberg trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ. Ảnh: CNET. |
Tuy nhiên, những nỗ lực của 83% hội đồng cổ đông để kiểm soát vị CEO 35 tuổi đã thất bại. Họ không có cơ hội ngay từ đầu.
Hiện tại, Facebook tuân theo cấu trúc “hai tầng”, bao gồm cổ phiếu loại A và B. Loại A là cổ phiếu có sẵn cho các nhà đầu tư chứng khoán thông thường, và họ được quyền bỏ phiếu tương ứng với số cổ phần của mình.
Mặt khác, cổ phiếu loại B bị kiểm soát bởi Zuckerberg và nhóm nhỏ nhân sự công ty. Phiếu bầu của cổ đông loại B có giá trị gấp 10 lần loại A.
Điều này giúp Mark Zuckerberg, người nắm giữ 75% cổ phần loại B, có quyền kiểm soát hơn nửa số phiếu bầu cổ đông Facebook. Điều này đồng nghĩa ông có toàn quyền quyết định mọi đề xuất, kể cả sa thải chính mình khỏi vị trí Chủ tịch.
Thật dễ thấy vì sao các nhà đầu tư Facebook đang ngày càng chán nản. Dưới sự lãnh đạo của Zuckerberg, công ty đã mắc vào vòng xoáy bất tận những vụ bê bối trong vài năm qua.
Những làn sóng phản đối từ cổ đông cũng đến vào thời điểm Facebook phải vật lộn với cáo buộc độc quyền, cả trong và ngoài nước Mỹ.
Mark Zuckerberg có thể là nguồn gốc của mọi vấn đề. Nhưng trừ khi CEO này tự nguyện phá vỡ sự bất công về phiếu bầu, mọi nỗ lực của các nhà đầu tư đều không có ý nghĩa.