Để các lực lượng công lực thi hành nhiệm vụ, nhất là trong những tình huống cấp bách, họ phải được trao một số quyền nhất định. Tuy nhiên, quyền phải đi đôi với hạn. 

Ô tô phải có bình chữa cháy: ‘Chữa’ ngọn mà quên gốc?

Bình chữa cháy tự nổ trên ô tô, ai đền cho dân?

Bàn về 'chuyện lạ' của CSGT Đà Nẵng

Tịch thu xe khi say: Phạt nặng càng gây chống đối

Sai phạm giao thông: ai có quyền xử

Ngày 4/1, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông (CSGT). Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2 và thay thế Thông tư 65/2012/TT-BCA.

Trong đó, khoản 6 Điều 5 Thông tư 01 quy định, CSGT có quyền hạn “được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển; sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật”.

Xung quanh quy định này còn có cách hiểu, giải thích khác nhau. Công luận đã bày tỏ băn khoăn, lo ngại quy định này có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng.

Nhiều tranh luận

Từ phía Bộ Công an, trả lời báo Pháp luật TP HCM, trung tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật - Cục CSGT giải thích, tại khoản 15 Điều 15 Luật Công an nhân dân đã quy định công an có quyền huy động, trưng dụng theo quy định của pháp luật phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện.

Cụ thể, các trường hợp được trưng dụng là các tình huống cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra.

Ví dụ trường hợp CSGT Đội 5 ở Hà Nội bị kéo lê thì CSGT có quyền trưng dụng phương tiện để truy đuổi tài xế. Người có phương tiện bị trưng dụng không chấp hành thì căn cứ vào hậu quả, tính chất, mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Như vậy, theo ông Nhật quy định tại Thông tư 01 về quyền trưng dụng của CSGT căn cứ vào Luật Công an nhân dân, tức là không trái luật.

Tuy nhiên, trong công luận, nhiều người là luật sư, giảng viên luật cho rằng, quy định nói trên của thông tư 01/2016 trái với Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản số 15/2008/QH12 do Quốc hội ban hành.

Bởi lẽ, theo Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản, người có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản chỉ gồm các bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, chủ tịch UBND cấp tỉnh. Người có thẩm quyền trên không được phân cấp thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản cho bất kỳ người nào khác, trong đó có CSGT.

{keywords}

Cảnh sát giao thông điều tiết giao thông. Ảnh: Thanh Tùng/ Tuổi trẻ

Huy động và trưng dụng

Có lẽ rắc rối trong cách hiểu xuất phát từ cụm từ “theo quy định của pháp luật” tại Khoản 6, Điều 5 của Thông tư 01. Đại diện Bộ Công an lấy Luật Công an nhân dân làm cơ sở pháp luật để biện luận cho Thông tư 01; còn những người phản đối thì dựa vào Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản. Phải chăng hai luật này mâu thuẫn với nhau? Không hẳn vậy.

Trước hết, như một số luật gia, nhà báo lập luận, ở đây cụm từ “theo quy định của pháp luật” có nghĩa là, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản chỉ cho phép các Bộ trưởng nêu trên và Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản; nhưng họ không thể trực tiếp làm điều đó, mà người thực hiện quyết định là các nhân viên công lực như CSGT.

Tuy nhiên, CSGT chỉ được trưng dụng tài sản của công dân khi cầm trong tay quyết định trưng dụng của những người có thẩm quyền theo quy định pháp luật. Nếu không có quyết định như vậy thì CSGT không được trưng dụng tài sản công dân, kể cả trong những trường hợp cấp bách.

Hơn nữa, Luật cũng quy định, việc trưng dụng tài sản chỉ được thực hiện khi Nhà nước có nhu cầu sử dụng tài sản mà các biện pháp huy động khác không thực hiện được, thuộc một trong các trường hợp có tình trạng chiến tranh, khẩn cấp về quốc phòng; an ninh quốc gia; thảm họa do thiên tai, dịch bệnh gây ra trên diện rộng.

Đối với điều khoản trong Luật Công an nhân dân đã được trích dẫn, xin lưu ý, có hai từ khác nhau được sử dụng để quy định về thẩm quyền của công an: “huy động” và “trưng dụng” theo quy định của pháp luật. Luật này được ban hành sau Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.

Như vậy, quyền “trưng dụng” của công an phải tuân theo quy định của Luật Trưng mua, trưng dụng. Theo đó, kể cả trong những trường hợp cần thiết, CSGT không được trực tiếp trưng dụng tài sản công dân, mà phải có quyết định trưng dụng của một trong những người có thẩm quyền mới được làm điều này (lúc đó công dân bắt buộc phải chấp hành).

Còn “huy động” hàm ý, công an (bao gồm CSGT) chỉ được đề nghị công dân cho sử dụng tài sản trong trường hợp cấp bách, và chỉ khi công dân đồng ý mới được sử dụng, chứ không có hiệu lực bắt buộc công dân chấp hành.

Trên thực tế, bản thân đại diện ngành CSGT cho biết, không mấy khi họ trưng dụng phương tiện của người dân trong khi làm nhiệm vụ, vì phương tiện được trang bị cho lực lượng CSGT đã đầy đủ, đáp ứng được với các tình huống như tai nạn, thiên tai, sự cố. Trong một số trường hợp CSGT đề nghị hỗ trợ đưa người bị tai nạn giao thông đi cấp cứu và người dân đều sẵn sàng. 

Nếu áp dụng các điều khoản nói trên của Luật Công an nhân dân và Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản theo hướng này thì sẽ không dẫn đến sự mâu thuẫn giữa hai luật, nhất là không xâm phạm quyền tài sản của công dân đã được Hiến pháp bảo hộ. Cách giải thích, áp dụng như vậy cũng sẽ giúp Chính phủ, Bộ Công an không cần phải bãi bỏ hay đình chỉ một phần Thông tư 01 như một số ý kiến đề xuất. 

Báo chí đưa tin, dân mới biết

Tuy nhiên, nếu CSGT vẫn sẽ áp dụng quy định của Thông tư 01 như ông Nguyễn Quang Nhật giải thích thì sẽ trái với quy định của các Luật liên quan, xâm phạm quyền tài sản hiến định của công dân. Trong trường hợp như vậy, khi có cách hiểu khác nhau về quy định pháp luật, cần có một cơ quan đứng ra phân giải.

Ở Việt Nam, đó là Ủy ban Thường vụ Quốc hội với thẩm quyền giải thích hiến pháp, luật, pháp lệnh của mình. Tuy nhiên, cá nhân công dân hoặc nhóm công dân không có quyền kiến nghị UBTVQH giải thích, mà chỉ có các cơ quan, tổ chức, hoặc ĐBQH mới có quyền này.

Hơn nữa, đã từ lâu, rất nhiều chuyên gia luật chỉ ra, trao cho UBTVQH thẩm quyền này là không phù hợp với tính chất, nguồn lực của cơ quan này. Chính vì vậy mà trong nhiều thập niên tồn tại, UBTVQH mới chỉ vài lần giải thích luật.

Tiếc rằng, trong quá trình sửa đổi Hiến pháp vài năm trước, đề xuất của nhiều người về việc trao thẩm quyền giải thích luật cho Tòa án nhân dân tối cao hoặc thành lập Hội đồng hiến pháp để giải quyết những mâu thuẫn như vậy đã không được chấp nhận.

Trường hợp của Khoản 6, Điều 5, Thông tư 01 còn cho thấy vài điểm hạn chế trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam.

Trước hết, đáng lẽ ra Thông tư 01 là loại văn bản quy phạm pháp luật cần phải hướng dẫn chi tiết, cụ thể về nội dung đã được quy định trong Luật như: quy định rõ, lúc nào thì “trưng dụng”, lúc nào thì “huy động”; theo thủ tục nào; cán bộ CSGT trong những trường hợp cụ thể đó được làm gì, không được làm gì v.v… Nhưng điều khoản của Thông tư 01 chỉ lặp lại quy định của Luật, và thêm cụm từ “theo quy định của pháp luật” một cách chung chung, khiến cho các bên hiểu, giải thích, áp dụng khác nhau, có rủi ro dẫn đến lạm quyền trong thi hành.

Tiếp theo, quy định này tác động đến nhiều quyền của hàng chục triệu chủ các phương tiện giao thông khác nhau, với những tài sản khác nhau. Vì vậy, cần tham vấn rộng rãi ý kiến công chúng, nhất là các nhóm người chịu tác động của quy định.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, hầu như không ai biết đến nó, mà chỉ khi báo chí đưa tin khi Thông tư 01 đã được ký ban hành, công chúng mới được biết.

Để các lực lượng công lực (như CSGT trong trường hợp này) thi hành nhiệm vụ, nhất là trong những tình huống cấp bách, họ phải được trao một số quyền nhất định. Tuy nhiên, quyền đó phải được minh định rõ ràng, rành mạch, tránh rủi ro có thể bị lạm dụng. Quyền đó không vô hạn, mà có giới hạn. Vì thế trong ngôn ngữ pháp luật, đối với nhân viên công quyền mới có khái niệm quyền hạn, quyền phải đi đôi với hạn.

Nguyễn Đức Lam