TIN BÀI KHÁC:
Theo CNN, tuy các lãnh đạo châu Âu ý thức rất rõ về nguy cơ đối với hòa bình ở sườn đông của họ, các nước trong khối dường như không thể thể hiện được họ là một mặt trận đoàn kết và kiên quyết.
Tuy nhiên, vụ máy bay MH17 của Malaysia bị bắn rơi ở đông Ukraina đã trở thành một nhân tố làm thay đổi tình hình, bởi nó khiến đa số phải thừa nhận rằng sẽ quá nguy hiểm nếu để mặc tình hình tiếp diễn.
Và giờ đây, khi châu Âu chuẩn bị đưa ra các đòn quyết định, thì giới chức của khối phải thừa nhận, nếu phát huy tác dụng, chúng cũng sẽ làm tổn thương nền kinh tế của chính họ.
Thực tế, với vai trò là một khối, Liên minh châu Âu xuất khẩu khoảng 100 tỷ Euro tiền dịch vụ - hàng hóa sang Nga và nhập về lượng hàng trị giá khoảng 200 triệu Euro.
Khí đốt được coi là một vũ khí lợi hại của Nga. (Ảnh: EPA) |
Tiền rõ ràng là quan trọng, nhưng ảnh hướng đến châu Âu nhiều nhất lại không phải vai trò của Nga mà là chức năng của nước này như một nguồn cung cấp năng lượng chủ chốt.
Nếu Nga dừng xuất khí đốt sang châu Âu để đáp trả thì thiệt hại trong sản xuất của châu lục này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong bối cảnh khu vực đang cố gắng phục hồi nền kinh tế trì trệ, nỗ lực chỉnh đốn một thị trường ngập nợ và tỷ lệ thất nghiệp cao, thì việc gạt bỏ một đối tác thương mại chính ở ngay bên cạnh là một rủi ro thực sự.
Báo The Guardian nhận định, xoáy chặt mũi dùi kinh tế lên Nga cũng sẽ khiến nhiều công ty phương Tây phải chịu hậu quả - không chỉ với các tập đoàn vũ khí và năng lượng có các hợp đồng lớn với Kremlin.
Do vậy, khi phải trừng phạt Nga, các bộ trưởng EU tỏ ra rất miễn cưỡng. Và một số nước chắc chắn sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn các nước khác.
Điển hình là Anh, một nước bán nhiều khí tài và xe hơi cho Nga. Với nhiều mỏ khí ở Biển Bắc và tiềm năng khai thác dầu lửa trong tương lai, Anh có nhiều lựa chọn về năng lượng. Tuy nhiên, nếu EU cấm vận các ngân hàng nhà nước Nga thì trung tâm tài chính London sẽ sẽ "ngấm đòn" bởi nhiều khu nhà cao cấp ở thủ đô nước Anh sẽ không còn hấp dẫn những người giàu có Nga sang mua và định cư nữa.
Đức cũng phải chịu trận. Nước này hiện có 6.000 công ty đang làm ăn ở Nga, hầu hết thuộc diện doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khoảng 300.000 lao động Đức phụ thuộc vào thương mại với Nga để xoay sở cuộc sống.
Nhiều lĩnh vực như công nghiệp xe hơi, quốc phòng và cơ khí vốn đã phải thu hẹp việc làm từ cuộc khủng hoảng năm 2008 sẽ một lần nữa bị ảnh hưởng.
Vậy, những đòn cấm vận của EU đối với Nga có thực sự đáng áp dụng và chúng sẽ mang lại hiệu quả? Để trả lời câu hỏi này phụ thuộc vào những gì châu Âu hy vọng đạt được.
Nền kinh tế Nga đã rơi vào suy thoái trước khi EU và Mỹ bắt đầu có những hành động cứng rắn. Lượng vốn khoảng 90 tỷ USD nhiều khả năng sẽ thoái khỏi nước này trong năm nay, theo các số liệu ước tính của Ngân hàng Trung ương Nga.
Bằng cách thắt chặt thòng lọng quanh các ngân hàng Nga, châu Âu hy vọng sẽ làm cho các nhà công nghiệp chủ chốt của Nga xa rời Tổng thống Putin, đồng thời hạn chế khả năng của Kremlin rót tiền cho các ngân hàng trên các thị trường quốc tế. Điều đó có nghĩa là Nga sẽ phải đào sâu vào các kho dự trữ tiền của mình và làm suy yếu giá trị đồng Rúp.
Về dài hạn - trong khoảng 3-5 năm - cấm vận nhằm vào trang thiết bị và công nghệ nhạy cảm đối với ngành năng lượng có thể sẽ gây hại cho Nga về mặt khai thác nhiều hơn nữa các mỏ dầu khí lớn của nước này.
Có lẽ EU hy vọng rằng, vì lợi ích của các nước, cuộc khủng hoảng liên quan
đến Ukraina sẽ được giải quyết. Nhưng cùng lúc đó, nếu liên minh này có ý định
phát đi thông điệp mạnh mẽ thì các lãnh đạo của khối phải cân bằng được khả năng
lợi một nhưng thiệt nhiều về GDP.
Thanh Hảo