Tân Hoa xã đưa tin, tàu sân bay Phúc Kiến (còn gọi là Type 003) đã rời Nhà máy đóng tàu Giang Nam ở Thượng Hải lúc khoảng 8 giờ sáng 1/5 (giờ địa phương) để bắt đầu các cuộc thử nghiệm trên biển. Hoạt động này chủ yếu nhằm kiểm tra độ tin cậy và ổn định của hệ thống điện cũng như động cơ đẩy của tàu.

Kể từ khi được hạ thủy vào tháng 6/2022, tàu Phúc Kiến đã hoàn thành các cuộc thử nghiệm neo đậu cũng như quá trình lắp đặt và điều chỉnh trang thiết bị. Nhà chức trách khẳng định tàu đã đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật cho việc thử nghiệm trên biển.

Phúc Kiến là tàu sân bay do Trung Quốc tự thiết kế và chế tạo hoàn toàn trong nước. Hàng không mẫu hạm này có kích cỡ lớn hơn và tiên tiến hơn về mặt công nghệ so với tàu sân bay Sơn Đông được đưa vào hoạt động năm 2019 và tàu sân bay Liêu Ninh, hàng không mẫu hạm đầu tiên của Bắc Kinh, được hoán cải từ vỏ tàu mua lại của Ukraine vào năm 1998.

tau san bay phuc kien.jpg
Tàu sân bay Phúc Kiến trong chuyến chạy thử nghiệm đầu tiên trên biển ngày 1/5. Ảnh: China Daily

Các thông tin công khai cho biết, tàu Phúc Kiến có độ choán nước tối đa khoảng hơn 85.000 tấn, tuy không lớn bằng tàu Ford của Mỹ (100.000 tấn) nhưng "khủng" hơn nhiều so với tàu Liêu Ninh (67.500 tấn) và tàu Sơn Đông (70.000 tấn).

Tàu Phúc Kiến được trang bị 3 hệ thống phóng máy bay điện từ (EMALS) thay vì sử dụng đường cất cánh kiểu "nhảy cầu". EMALS dự kiến sẽ giúp hàng không mẫu hạm tự chế thứ 3 này của Trung Quốc triển khai nhiều loại máy bay hơn tàu Sơn Đông hay Liêu Ninh, đồng thời sẽ đáng tin cậy hơn và tiết kiệm năng lượng hơn, đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Song Zhongping cho hay, các cuộc thử nghiệm trên biển đầu tiên của tàu Phúc Kiến sẽ chỉ diễn ra ở vùng biển gần bờ. Quá trình này có thể kéo dài ít nhất một năm, sau đó mới đến giai đoạn thử nghiệm với các hệ thống vũ khí và thiết bị cụ thể.