Việc Trung Quốc mới đây tuyên bố điều tra Tỉnh trưởng Phúc Kiến, đã gây bàn tán trong dư luận về quy mô của chiến dịch “đả hổ” tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Trước đó, hôm 7/10, trang web của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc công bố thông tin cho biết, ông Tô Thụ Lâm, Ủy viên Trung ương, Phó Bí thư tỉnh ủy, Tỉnh trưởng Phúc Kiến hiện bị điều tra vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Ông Lâm là quan chức thứ 23 bị “chiếu tướng” kể từ đầu năm tới nay.

{keywords}
Ông Tô Thụ Lâm là quan chức thứ 23 bị điều tra tham nhũng kể từ đầu năm tới nay.

Điều này cho thấy, mặc dù đã tiến hành gần 3 năm, nhưng nhịp độ chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc vẫn chưa hề chùng xuống. Còn tính chung từ sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 (tháng 12/2012) đến nay, thì đã có 80 quan chức cấp tỉnh, bộ bị “hạ gục”, chưa kể các quan chức quân đội.

Trong số những người bị điều tra năm nay có nhiều quan chức hàng đầu các tỉnh, thành, khu tự trị. Lãnh đạo các hệ thống an ninh quốc gia, thể thao, tòa án… cũng không thoát khỏi “vòng kim cô”. Việc Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc và Tỉnh trưởng Phúc Kiến bị điều tra cho thấy chiến dịch chống tham nhũng không có “vùng tối”, không “mở cửa sau”.

Cho đến nay, trong số 31 tỉnh, thành phố, khu tự trị, chỉ còn lại 3 nơi là Bắc Kinh, Thượng Hải, Ninh Hạ chưa bị nêu tên.

Trong số các địa phương mà chiến dịch chống tham nhũng “chạm” tới, bị nặng nhất là Sơn Tây với 7 quan chức lãnh đạo tỉnh “ngã ngựa”. Các địa phương có từ 3 quan chức “dính đòn” trở lên bao gồm Giang Tây, Vân Nam, Hà Bắc, Tứ Xuyên, Giang Tô, Nội Mông và Hắc Long Giang.

Cuộc chiến đã đánh gục nhiều “hổ lớn” lẫn “hổ bé”, bất kể thuộc hệ thống nào: Đảng ủy, Đại hội đại biểu nhân dân, chính quyền và hội nghị chính hiệp.

{keywords}
Triệu Thiếu Lân đã nghỉ hưu 8 năm nhưng vẫn bị lôi ra trước ánh sáng

Cụ thể, về phía đảng có 7 ủy viên trung ương, 11 ủy viên trung ương dự khuyết, 22 ủy viên thường vụ đảng ủy của 14 tỉnh, thành, khu vừa được bầu từ sau Đại hội 18 đã bị mất ghế. Danh sách này bao gồm 1 bí thư, 3 phó bí thư, 3 tổng thư ký tỉnh ủy, 3 ủy viên thường vụ kiêm phó tỉnh trưởng, 2 trưởng ban mặt trận, 1 trưởng ban tổ chức. Ngoài ra còn có 8 bí thư của thành phố nơi đặt cơ quan lãnh đạo cấp tỉnh.

Về phía chính quyền, ngoài tỉnh trưởng Phúc Kiến Tô Thụ Lâm, còn có 10 phó tỉnh trưởng. Về cơ quan dân cử, có 1 Chủ nhiệm Đại hội Đại biểu nhân dân và 7 Phó chủ nhiệm. Về hội nghị chính hiệp, có 2 Chủ tịch (Lý Sùng Hỉ ở Tứ Xuyên và Chu Minh Quốc của Quảng Đông).

Các quan chức ngã ngựa trong chiến dịch này thuộc nhiều độ tuổi khác nhau, trong đó có cả những người sinh vào thập niên 1940. Người trẻ nhất là Phó tỉnh trưởng Hải Nam – Ký Văn Lâm sinh năm 1966. Ông này nguyên là thư ký của Chu Vĩnh Khang.

Cuộc chiến “đả hổ” tham nhũng cũng cho thấy, về hưu không còn được xem là “hạ cánh an toàn” đối với những quan chức tay đã nhúng chàm. Số liệu điều tra cho thấy, có tới 10 quan chức đã nghỉ hưu vẫn bị lôi ra ánh sáng, trong đó đáng chú ý có người đã “hạ cánh” được 8 năm.

Một điểm đáng quan tâm khác trong chiến dịch “đả hổ” của Trung Quốc là thời điểm công bố điều tra rất đa dạng, từ sáng sớm tinh sương cho tới nửa đêm gà gáy và luôn khiến dư luận bất ngờ. Thậm chí có người sáng còn ngồi trên đoàn chủ tịch, chiều đã “mất tích”, hay tối hôm trước còn tham dự một cuộc họp quan trọng, sáng hôm sau đã bị bắt giữ.

Ngô Tuyết