Các hạn chế thương mại mà Washington áp đặt lên Bắc Kinh đã làm tăng vọt nhu cầu đối với các thiết bị đúc chip kém tiên tiến.
Dữ liệu thương mại của Nhật Bản cho thấy Trung Quốc chiếm một nửa số lô hàng thiết bị sản xuất chất bán dẫn, linh kiện cho máy móc này cũng như thiết bị sản xuất màn hình phẳng.
Giá trị xuất khẩu này sang Trung Quốc đã tăng 82% so với cùng kỳ trong quý 3/2024 lên 521,2 tỷ yên (3,32 tỷ USD), con số cao nhất theo dữ liệu tính từ năm 2007.
Tháng 7 năm ngoái, Bộ Thương mại Nhật Bản bắt đầu yêu cầu quy trình xin cấp phép đối với hoạt động xuất khẩu thiết bị sản xuất bán dẫn hiện đại, chẳng hạn chip logic 14 nanomet (nm) và các loại vi xử lý hiện đại hơn.
Số lượng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc gia tăng, một phần do việc tranh giành mua thiết bị đúc chip giữa bối cảnh Mỹ gia tăng kiềm chế công nghệ đại lục.
Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, vào tháng 9 năm ngoái, nước này đã nhập khẩu thiết bị sản xuất chip trị giá 5,2 tỷ USD, tăng khoảng 50% so với một năm trước. Trong đó, lượng mua hàng từ Nhật Bản và Hà Lan đều tăng. Trong 4 tháng đầu năm 2024, xu hướng nhập khẩu mặt hàng này của đại lục tiếp tục tăng, dao động quanh mức 4 tỷ USD.
Kazuma Kishikawa thuộc Viện nghiên cứu Daiwa cho biết: “Những nhà sản xuất Trung Quốc không được tiếp cận các thiết bị sản xuất bán dẫn hiện đại đang chuyển hướng sang những công cụ khác ít đặc thù hơn”.
Sự thay đổi này được cho là nguyên nhân thúc đẩy sự tăng vọt trong xuất khẩu thiết bị sản xuất chip không nằm trong danh mục bị hạn chế.
Lĩnh vực bán dẫn thường có chu kỳ bùng nổ và thoái trào kéo dài từ 3 đến 4 năm. Thị trường toàn cầu bước vào thời kỳ suy thoái từ nửa cuối năm 2022 trong bối cảnh hỗn loạn sau đại dịch, nhưng hiện có dấu hiệu đã chạm đáy. Xuất khẩu thiết bị sản xuất chip toàn cầu của Nhật Bản đã tăng 13% so với quý trước, chấm dứt mức tăng trưởng âm sau 5 quý liên tiếp.