Liên quan đến việc Trung Quốc liên tiếp tiến hành các chuyến bay thử nghiệm ra các đảo họ tự bồi đắp; xây dựng hệ thống radar tại quần đảo Trường Sa... Việt Nam càng cần phải củng cố chứng cớ, kiên định trách nhiệm trong bảo vệ chủ quyền lãnh hải.

Biển Đông: Bị cô lập, TQ có thể còn ‘mạnh tay’ hơn

TQ dồn sức mạnh quân sự biến Biển Đông thành ao nhà

Khi nói đến Biển Đông, mọi người Việt Nam đều không thể quên hai sự kiện lớn đó là năm 1974, được Mỹ bật đèn xanh Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm các đảo phía Tây quần  đảo Hoàng Sa hồi đó thuộc quyền quản lý của chính phủ Việt Nam cộng hòa; Đến năm 1988 lại cưỡng chiếm 6 bãi đá chìm và rặng san hô đang nằm dưới sự quản lý nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Mọi người chúng ta đều biết, liên quan đến tranh chấp lãnh thổ là liên quan đến lòng yêu nước của mỗi một dân tộc và nếu không giải quyết một cách công bằng thì sẽ dẫn đến nhiều thiệt hại khác không đo đếm được.

Việt Nam với đầy đủ chứng cứ pháp lý đã nhiều lần  tuyên bố chính thức qua con đường ngoại giao với các nước và vùng lãnh thổ tại Liên Hiệp Quốc về chủ quyền đối với toàn bộ 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

{keywords}

Tháng 5/2014 Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý hợp pháp của Việt Nam. Thực chất hành động này là nhằm che đậy kế hoạch bồi lấp các bãi chìm và rặng san hô của Việt Nam để xây dựng các căn cứ quân sự và sân bay cho các máy bay chiến đấu phản lực cất hạ cánh, tạo thành một căn cứ quân sự nhằm khống chế toàn bộ vùng biển và vùng trời tại khu vực Biển Đông. Chuyện gì đến đã đến, Trung Quốc vừa liên tiếp tiến hành các chuyến bay thử nghiệm ra các đảo mà họ đã bồi đáp nói trên.

Hôm 2/1 Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã có Công hàm chính thức lên án và phản đối Trung Quốc có hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Công hàm đã nêu rõ hành vi này vi phạm thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân Việt Nam với chính quyền Bắc Kinh.

Vừa mới đây, tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 25/2 của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của báo giới về những cáo buộc của truyền thông Mỹ quanh việc TQ đưa tên lửa và chiến đấu cơ ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa; xây dựng hệ thống radar tại quần đảo Trường Sa của VN, người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết: Chủ quyền của VN với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi. Bất chấp sự phản đối và quan ngại của VN cũng như cộng đồng quốc tế, TQ vẫn tiếp tục có các hành động không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN, thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông, mà còn đe dọa đến hòa bình, ổn định khu vực cũng như an ninh, an toàn tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông.

Bạn bè hỏi tôi: “Tại sao Trung Quốc đánh chiếm các đảo của ta mà các nước lại không có phản ứng dữ dội như sự kiện Crimer. Tại sao Mỹ, và nhiều nước Châu Âu chỉ tuyên bố bảo đảm quyền tự do đi lại trên biển Đông mà không đứng về bên nào trong việc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông?” Câu hỏi này cần suy ngẫm.

Gần 50% tỷ trọng hàng hóa thương mại quốc tế ước tính khoảng trên 5000 tỷ USD đi qua Biển Đông. Con đường này có ý nghĩa sống còn với nhiều quốc gia trên thế giới. Việc tự do đi lại trên biển Đông là lợi ích chung của khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Với nhận thức như vậy Việt Nam phải cùng cộng đồng ASEAN cần kêu gọi các nước, các  tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên Hợp quốc vào cuộc thể hiện trách nhiệm của mình  trong việc bảo vệ hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế tại Biển Đông.

Kể từ khi mở cửa, Trung Quốc trở thành công xưởng sản xuất hàng hóa của thế giới. Và họ không nguôi nuôi tham vọng vượt qua Mỹ để trở thành một cường quốc vĩ đại trong cuối thập niên 21. Biển Đông có vị trí địa chính trị, địa kinh tế quan trọng, là cửa ngõ vươn ra Thái Bình Dương và các đại dương khác. Nắm được vị trí này sẽ giúp Trung Quốc sớm thực hiện được tham vọng của mình.

Nhìn lại lịch sử, chúng ta luôn mong muốn xây dựng một nền biên giới hòa bình với Trung Quốc. Nhân dân Việt Nam bao giờ cũng mong muốn xây dựng quan hệ hữu nghị với nhân dân Trung Quốc. Hòa bình với Trung Quốc nhưng phải kiên định bảo vệ chủ quyền. Ttrách nhiệm đòi lại các đảo tại Hoàng Sa và Trường Sa bị Trung Quốc chiếm đoạt là khát khao cháy bỏng của mọi thế hệ Việt Nam.

Từ những gì đang diễn ra, càng đòi hỏi phía Việt Nam chúng ta phải tiếp tục củng cố cơ sở pháp lý để kiên định trách nhiệm giành lại chủ quyền trên Biển Đông.

Bên cạnh đó, chúng ta phải tăng cường nội lực, giảm sự phụ thuộc về kinh tế đặc biệt là giảm sự thâm hụt trong cán cân thương mại từ Trung Quốc; Nhanh chóng đổi mới thể chế để đưa đất nước cường thịnh, tự lực.

Có như vậy chúng ta mới có đủ sức mạnh, đủ uy tín quốc tế trong để kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ ta bảo vệ chủ quyền lãnh hải.

Đừng bao giờ quên rằng, một tấc đất mà tiên đã để lại, một mét vuông vùng biển mà cha ông đã để lại, chúng ta quyết không bao giờ để mất.

Trần Sơn Lâm, nguyên chuyên viên cao cấp, Hàm Vụ trưởng Vụ Khoa học – Giáo dục-Văn Hóa –Xã hội  Văn phòng Chính phủ.