Theo South China Morning Post, trong suốt hai năm qua chính quyền Trung Quốc đã nỗ lực “giam cầm” cả hai con quái vật tài chính này. Hồi tháng 1/2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Bắc Kinh cần đặc biệt cẩn trọng với “thiên nga đen”, trong khi phải ngăn chặn nguy cơ “tê giác xám” tung hoành ngoài tầm kiểm soát.

Tuy nhiên chính sách cân bằng của Bắc Kinh dường như đã chấm dứt hồi tuần trước khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tuyên bố sẽ bơm 900 tỷ NDT - tương đương 126 tỷ USD - vào hệ thống ngân hàng để kích thích tăng trưởng kinh tế.

Với việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở các ngân hàng và quyết định cho phép các chính quyền địa phương vay tiền để đầu tư vào hạ tầng, Bắc Kinh gửi đi thông điệp rất rõ ràng. Đó là tạm hoãn chiến dịch giảm nợ (được Chủ tịch Tập khởi động trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động chiến tranh thương mại 14 tháng trước) để kích thích kinh tế.

{keywords}
Trung Quốc bơm 900 tỷ NDT, tương đương 126 tỷ USD, vào hệ thống ngân hàng hồi tuần trước. Ảnh: Nikkei. 

Chấp nhận “tê giác xám” để chặn “thiên nga đen”

“Phải đánh đổi giữa giảm nợ và ổn định kinh tế. Trung Quốc chỉ có thể chọn một vào lúc này”, South China Morning Post dẫn lời nhà kinh tế Larry Hu của Macquarie Capital nhận định. Chuyên gia này dự báo Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục kích thích kinh tế trong một hoặc hai quý tới, trọng tâm sẽ là đầu tư xây dựng hạ tầng.

Tuy nhiên vấn đề là Trung Quốc sẽ kích thích kinh tế đến mức nào. Các quan chức Bắc Kinh tuyên bố chính sách tài khóa được thực hiện “thận trọng” và nước này sẽ không bật đèn xanh cho một chiến dịch kích thích khổng lồ như những gì đã diễn ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhấn mạnh rõ ràng là Trung Quốc đã tạm dừng chiến dịch giảm nợ quy mô lớn. Do đó, nguy cơ “tê giác xám” quậy tưng nền kinh tế là nguy cơ có thật.

Trung Quốc lần đầu dùng cụm từ “tê giác xám” hồi năm 2017 để mô tả các nguy cơ hệ thống có thể dự báo trước. Ngược lại, “thiên nga đen” là những sự kiện lớn bất thường, ví dụ như một cuộc khủng hoảng tài chính.

{keywords}
Nền kinh tế Trung Quốc đang lao đao vì chiến tranh thương mại. Ảnh: Nikkei. 

Tháng 7/2017, các quan chức Trung Quốc giải thích “tê giác xám” tài chính của nước này là tín dụng đen, bong bóng bất động sản, nợ lớn của các doanh nghiệp nhà nước, nợ “ẩn giấu” của chính quyền các địa phương và hành vi gây quỹ bất hợp pháp.

Thống kê của Bloomberg cho thấy nợ chính phủ và tư nhân của Trung Quốc lên đến 34.000 tỷ USD, một con số khổng lồ. Bloomberg mô tả đây là quả “bom nợ” có thể đe dọa cả nền kinh tế toàn cầu. Một nguyên nhân quan trọng dẫn tới “bom nợ” là các công ty nhà nước và chính quyền địa phương vay ngân hàng vô tội vạ để đầu tư phát triển hạ tầng nhưng lại đầu tư thiếu hiệu quả.

Buộc phải chấp nhận rủi ro

Trên thực tế, chiến dịch giảm nợ được Trung Quốc thực hiện trong hai năm qua là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nền kinh tế nước này hạ nhiệt, tăng trưởng sụt giảm xuống mức thấp nhất trong gần 30 năm qua.

Tuy nhiên, do thương chiến tiếp tục leo thang, Bắc Kinh bắt đầu hạ nhiệt chiến dịch giảm nợ, yêu cầu các tỉnh thúc đẩy tăng trưởng và tạo công ăn việc làm. Các ngân hàng được phép cho vay trừ trường hợp đầu cơ bất động sản. Chính quyền các địa phương đổ tiền vào các dự án hạ tầng.

Nợ Trung Quốc tăng 5,1% trong quý I/2019 và tiếp tục tăng thêm 0,7% tính đến hết tháng 6 lên mức 249,5% GDP, theo Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia ở Bắc Kinh (NIFD).

{keywords}
Trung Quốc cho phép đầu tư vào hạ tầng để kích thích kinh tế. Ảnh: Bloomberg. 

Trong khi đó, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) ước tính tổng nợ chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình Trung Quốc đã vượt qua mức 303% GDP vào tháng 7 và chiếm tới 15% tổng nợ toàn cầu.

Phó giám đốc NIFD Chang Xin giải thích Trung Quốc buộc phải chấp nhận rủi ro tài chính để đảm bảo ổn định nền kinh tế. Các nhà quan sát dự báo nhiều khả năng nợ Trung Quốc tiếp tục phình to ra do không có dấu hiệu nào cho thấy chiến tranh thương mại sẽ hạ nhiệt.

“Bắc Kinh sẽ phải dựa vào tăng trưởng nhờ đầu tư do tình hình ngày càng khó khăn dù các quan chức hiểu rõ rằng cần hạn chế hết mức các khoản đầu tư (nhờ vay nợ mà có) lãng phí”, South China Morning Post dẫn lời nhà kinh tế trưởng Diana Choyleva thuộc Enodo Economics nhận định.

(Theo Zing)