Nắm bắt cơ hội chuyển đổi sử dụng năng lượng xanh, cũng đồng nghĩa doanh nghiệp phải mua hàng của Trung Quốc nhiều hơn. Chẳng hạn, những công ty như Huawei đang làm chủ phân khúc cung ứng bộ biến tần - sử dụng trên các hệ thống năng lượng mặt trời.

“Chốt chặn” trong lộ trình xanh

Theo Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp Đài Loan (Trung Quốc), hiện nay đại lục chiếm tới hơn 90% thị phần trong các phân khúc chính của chuỗi cung ứng, từ polysilicon ở đầu vào đến các mô-đun năng lượng mặt trời ở đầu cuối.

Một giám đốc của Solarest, nhà cung cấp năng lượng tái tạo lớn nhất Malaysia cho hay: “Trung Quốc đã làm chủ được chuỗi cung ứng và công nghệ năng lượng mặt trời. Họ cung cấp cơ hội tạo ra năng lượng xanh tốt nhất với chi phí đủ thấp để cạnh tranh với năng lượng hóa thạch”.

Screenshot 2024 11 20 at 10.32.24.png
Năng lượng mặt trời có tốc độ tăng trưởng cao nhất so với các nguồn năng lượng thay thế khác. Nguồn: IEA

Khả năng cạnh tranh về chi phí đó đã biến Trung Quốc trở thành chốt chặn trong lộ trình năng lượng xanh của nhiều quốc gia, cả ở Đông Nam Á và rộng hơn nữa.

Bắc Kinh thậm chí còn tận dụng chuyên môn công nghệ về cơ sở hạ tầng năng lượng mặt trời như một phần của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, từ đó mở rộng ảnh hưởng đối với cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng ở các quốc gia như Malaysia, Lào, Thái Lan, Pakistan và Ả Rập Xê Út.

Theo cơ quan năng lượng quốc tế, năng lượng mặt trời được coi là nguồn năng lượng tái tạo dễ tiếp cận, dễ triển khai. Tính riêng năm 2024, đã có tổng cộng 500 tỷ USD đầu tư cho loại năng lượng này, vượt qua các nguồn năng lượng thay thế khác.

Nikkei Asia trích dẫn nguồn tin cho biết, các dự án điện gió ngoài khơi có thể mất 8 năm hoặc lâu hơn để lập kế hoạch và xây dựng, trong khi các nhà máy điện mặt trời có thể được triển khai trong vòng chưa đầy 2 năm. 

Áp lực áp dụng năng lượng tái tạo đang gia tăng, đặc biệt là đối với các nền kinh tế mới nổi ở châu Á với hy vọng thu hút đầu tư từ các công ty công nghệ khổng lồ nước ngoài.

Các công ty như Apple, Google và Microsoft đều đã tham gia sáng kiến ​​RE100, cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo. 

Sản lượng gấp đôi toàn cầu

Vào những năm 2000, các công ty Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) như Sharp, Motech và New Solar Power dẫn đầu lĩnh vực quang điện, song họ mất dần lợi thế cạnh tranh trước sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc, đi kèm với trợ cấp của Bắc Kinh cho những doanh nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời.

Screenshot 2024 11 20 at 10.32.11.png
Trung Quốc thống trị chuỗi cung ứng sản xuất quang điện. Ảnh: Nikkei Asia

Hiện quốc gia này là nơi tập trung của phần lớn những công ty hàng đầu thế giới về năng lượng mặt trời, như Longi Green Energy Technology, Tongwei, GCL, Jinko Solar và TCL Zhonghuan Renewable Energy Technology.

Ngoài ra, cả ba nhà sản xuất biến tần lớn nhất thế giới cũng đều đến từ Trung Quốc, bao gồm: Huawei, Sungrow Power và Ginlong Technologies.

“Tổng công suất sản xuất của Trung Quốc trong một năm có thể cung cấp cho toàn thế giới trong hai năm”, Doris Hsu, Chủ tịch Công ty sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời Sino-American Silicon Products nói.

“Quy mô nền kinh tế và công nghệ khổng lồ của Trung Quốc giúp họ có sức mạnh cạnh tranh về chi phí. Nếu bỏ qua các rào cản thương mại, thì rõ ràng giải pháp của các nhà cung cấp từ đại lục là hợp lý hơn”, Doris Hsu cho biết thêm. 

Theo IEA, đến năm 2030, Trung Quốc vẫn dự kiến ​​sẽ duy trì hơn 80% công suất sản xuất toàn cầu cho tất cả các phân khúc sản xuất quang điện, bất chấp những nỗ lực của Mỹ và Ấn Độ chuyển chuỗi cung ứng tại địa phương.

Cơ quan này ước tính rằng chi phí sản xuất các mô-đun tại Mỹ và Ấn Độ cao gấp hai đến ba lần so với ở Trung Quốc. "Khoảng cách này sẽ vẫn tồn tại trong tương lai gần".

Kinh nghiệm phát triển chatbot AI phổ biến nhất Trung QuốcChatbot AI của ByteDance đang là ứng dụng AI phổ biến nhất tại Trung Quốc với hơn 51 triệu người dùng hằng tháng. Tất cả là nhờ nguồn vốn phát triển dồi dào, đội ngũ sản phẩm tài năng và triết lý thiết kế độc đáo.