Ảnh minh họa: Internet |
Mỹ vẫn luôn xem Huawei là nguy cơ an ninh quốc gia và cho rằng thiết bị mạng của hãng có thể bị Bắc Kinh lợi dụng để gián điệp công dân Mỹ. Huawei liên tục bác bỏ điều này.
Hôm 16/2, Richard Grenell, đại sứ Mỹ tại Đức, đăng Twitter nói Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi cho ông và chỉ đạo ông “làm rõ rằng bất kỳ quốc gia nào chọn sử dụng nhà mạng 5G không đáng tin sẽ gây nguy hiểm tới khả năng chia sẻ thông tin, tình báo ở cấp cao nhất”.
Dọa cắt chia sẻ thông tin tình báo là luận điểm Mỹ đã dùng một vài lần, trong đó chống lại Anh, quốc gia gần đây cho Huawei tham gia với vai trò hạn chế trong mạng 5G.
Mạng 5G thế hệ mới hứa hẹn tốc độ dữ liệu siêu nhanh, là công nghệ đứng sau cơ sở hạ tầng quan trọng. Vì vậy, nó cũng được xem là có rủi ro lớn. Mỹ lo Huawei có liên hệ mật thiết với Đảng Cộng sản Trung Quốc và Trung Quốc cũng có luật yêu cầu doanh nghiệp phải tuân thủ bất kỳ yêu cầu dữ liệu nào của Bắc Kinh. Huawei khẳng định họ không bao giờ cung cấp dữ liệu khách hàng cho chính phủ.
Đáp trả tweet của Grenell, Hua Chunying, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tố cáo Mỹ “đạo đức giả”. “Ông ta (Grenell) đang dọa nạt ai thế? Ai mới là mối nguy thật sự? Hãy nhớ, Snowden nói Mỹ gián điệp điện thoại của Thủ tướng Merkel”.
Ambassador Richard Grenell tweeted on consequences of choosing an "untrustworthy" 5G vendor. Who he is threatening? Who's the real threat? Remember, Snowden said US spied on Chancellor Merkel's phone! https://t.co/P0D2pkjvZJ
— Hua Chunying 华春莹 (@SpokespersonCHN) February 17, 2020
Năm 2013, cựu nhà thầu Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ, Edward Snowden, gây chấn động khi công bố hàng loạt tài liệu liên quan tới hoạt động của tổ chức này. Tờ Der Spiegel của Đức thời điểm đó đưa tin tài liệu tiết lộ NSA đã cài máy nghe lén trong văn phòng của EU tại Washington và xâm nhập mạng lưới máy tính EU.
Tháng 10/2013, Der Spiegel công bố tài liệu trong đó khẳng định Mỹ nghe lén điện thoại của bà Merkel. Cáo buộc dẫn tới cuộc điều tra của công tố viên liên bang Đức, về sau phải dừng lại vì thiếu bằng chứng đủ khả năng đứng trước tòa. Khi ấy, Nhà Trắng ra thông cáo tuyên bố “không theo dõi và sẽ không theo dõi” điện thoại của Thủ tướng Đức.
Đã hơn 1 năm Mỹ gây sức ép lên Huawei. Huawei bị cho vào danh sách đen của Mỹ, hạn chế tiếp cận công nghệ Mỹ. Tuần trước, Bộ Tư pháp còn mở rộng cáo trạng đối với Huawei, tố công ty lừa đảo, âm mưu đánh cắp bí mật thương mại của công ty Mỹ. Huawei bác bỏ.
Đức là chiến trường thứ hai giữa Mỹ và Huawei sau khi Anh quyết định cho phép Huawei tham gia mạng 5G. Đức vẫn chưa có quyết định cuối cùng và đang trong tình thế khó xử. Nếu không cấm hoàn hoàn Huawei, Mỹ sẽ cảm thấy bị xem nhẹ; nếu cấm Huawei, Trung Quốc chắc chắn không tránh khỏi tức giận. Đức phải xem xét cân bằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, hai đốc tác thương mại lớn nhất của mình.