Các gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đã và đang thúc đẩy phát triển chất bán dẫn hoặc chip của riêng họ, một động thái được coi là tiến bộ hướng tới mục tiêu trở thành tự chủ trong lĩnh vực công nghệ quan trọng của Trung Quốc.

Chất bán dẫn là thành phần quan trọng trong mọi thiết bị, từ điện thoại thông minh, tủ lạnh hiện đại đến ô tô. Chúng cũng trở thành một vấn đề chính trong cuộc chiến tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong nhiều năm đã đầu tư rất nhiều vào việc thúc đẩy ngành công nghiệp chip nội địa của mình, nhưng đã phải vật lộn để bắt kịp các đối thủ ở Mỹ và các khu vực khác của châu Á. Càng ngày, chất bán dẫn càng được coi là chìa khóa cho an ninh quốc gia của nhiều quốc gia và là một dấu hiệu của sức mạnh công nghệ.

{keywords}
Trung Quốc vẫn phụ thuộc công nghệ nước ngoài để phát triển chip riêng

Tờ Nikkei đưa tin ngày 21/10 cho biết, vào tháng 8 vừa qua, Baidu đã ra mắt Kunlun 2, chip trí tuệ nhân tạo (AI) thế hệ thứ hai của mình. Mới đây, Alibaba cũng đã phát hành một con chip được thiết kế cho máy chủ và điện toán đám mây. Nhà sản xuất điện thoại thông minh Oppo cũng đang phát triển bộ vi xử lý cao cấp của riêng mình cho các thiết bị cầm tay của mình.

Trong khi các công ty này đang thiết kế chip của riêng họ, họ vẫn có thể phải dựa vào các công cụ nước ngoài để làm điều đó. Nhưng khi nói đến sản xuất và chuỗi cung ứng rộng lớn hơn, những gã khổng lồ internet của Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào các công ty nước ngoài.

Lý do các công ty này thiết kế chip của riêng họ là vì họ có thể tạo ra chất bán dẫn cho các ứng dụng cụ thể để tạo sự khác biệt với các đối thủ cạnh tranh.

Chuỗi cung ứng do nước ngoài chi phối

Xem xét kỹ hơn các chi tiết cụ thể của silicon đang được thiết kế cho thấy sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các công ty nước ngoài.

Chẳng hạn như chip Yitian 710 mới của Alibaba, nó hoàn toàn dựa trên kiến trúc của hãng bán dẫn Arm của Anh và dựa trên tiến trình công nghệ 5 nanomet, công nghệ chip tiên tiến nhất ở thời điểm hiện tại.

Trong khi đó, chip Kunlun 2 của Baidu dựa trên tiến trình 7 nanomet, còn chip mới nhất của Oppo được cho là đang làm việc trên tiến trình 3 nanomet.

Đây là thách thức đối với Trung Quốc.

Quốc gia này không có công ty nào có khả năng sản xuất chất bán dẫn hàng đầu ở các quy mô này. Họ sẽ chỉ dựa vào ba công ty bán dẫn hàng đầu thế giới đó là Intel của Mỹ, TSMC của Đài Loan và Samsung của Hàn Quốc.

Nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC vẫn kém các công ty nước ngoài nhiều năm về công nghệ sản xuất.

Ngay cả các công ty như TSMC và Intel cũng dựa vào thiết bị và công cụ cho quá trình sản xuất từ các công ty khác.

Trong lĩnh vực thiết bị, quyền lực tập trung vào tay một số ít công ty như ASML, một công ty đến từ Hà Lan, là công ty duy nhất trên thế giới có khả năng chế tạo một cỗ máy mà các nhà sản xuất chip cần phải làm ra những con chip tiên tiến nhất.

“Hệ sinh thái bán dẫn rất lớn và phức tạp, vì vậy việc xây dựng khả năng tự cung tự cấp là rất khó khăn. Ở đây, thách thức lớn nhất là số tiền đầu tư cũng như khả năng về chuyên môn kỹ thuật và kinh nghiệm tích lũy”, Peter Hanbury, một đối tác của công ty tư vấn quản lý Bain & Company (Mỹ) cho biết.

Các lỗ hổng địa chính trị

Việc phụ thuộc vào các công ty nước ngoài khiến các công ty Trung Quốc dễ bị tổn thương trước bất kỳ căng thẳng địa chính trị nào - như trường hợp của cả Huawei và SMIC.

Huawei đã thiết kế bộ vi xử lý điện thoại thông minh của riêng mình được gọi là Kirin. Những con chip này thường dựa trên công nghệ mới nhất và đã giúp gã khổng lồ điện thoại thông minh Trung Quốc trở thành một trong những người chơi điện thoại thông minh lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, Mỹ đã đưa Huawei vào danh sách đen thương mại có tên là Danh sách thực thể vào năm 2019, nhằm loại bỏ công ty Trung Quốc khỏi một số công nghệ nhất định của Mỹ. Năm ngoái, Washington đã đưa ra một quy tắc yêu cầu các nhà sản xuất nước ngoài sử dụng thiết bị sản xuất chip của Mỹ phải có giấy phép trước khi họ có thể bán chất bán dẫn cho Huawei.

Chip của Huawei do TSMC sản xuất. Nhưng khi quy định của Mỹ được áp dụng, TSMC không còn có thể sản xuất chất bán dẫn cho Huawei nữa. Điều đó đã làm tê liệt hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của hãng trên toàn cầu.

SMIC cũng nằm trong danh sách đen của Mỹ hạn chế quyền tiếp cận công nghệ của Mỹ.

Các biện pháp trừng phạt này có thể là mối lo ngại đối với các công ty Trung Quốc hiện đang phát triển chip của riêng họ.

Hanbury nói: “Ví dụ, nếu có nỗ lực ngăn chặn lô hàng vi xử lý điện thoại thông minh thì Oppo sẽ có nguồn chip được thiết kế trong nước. Tuy nhiên, hầu hết những con chip này vẫn được sản xuất bằng công nghệ quốc tế nên họ vẫn có thể mất quyền truy cập vào những con chip của mình nếu đối tác sản xuất những con chip này bị chặn sản xuất”.

Mối quan tâm về chuỗi cung ứng

Các chính phủ trên thế giới hiện coi chất bán dẫn là công nghệ cực kỳ chiến lược và quan trọng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi đầu tư 50 tỷ USD vào lĩnh vực sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn và tìm kiếm các nhà sản xuất chip đầu tư vào nước này. Vào tháng 3, Intel đã công bố kế hoạch chi 20 tỷ USD để xây dựng hai nhà máy sản xuất chip mới ở Mỹ.

Washington đã tìm cách đưa ngành sản xuất chất bán dẫn trở lại Mỹ, coi đây là chìa khóa cho an ninh quốc gia, do chuỗi cung ứng tập trung rất nhiều ở châu Á.

Nhưng các quốc gia cùng chí hướng cũng đang cố gắng làm việc cùng nhau để đảm bảo chuỗi cung ứng chất bán dẫn của họ được an toàn.

Các nhà lãnh đạo của Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc đã công bố kế hoạch vào tháng 9 để thiết lập một sáng kiến chuỗi cung ứng chất bán dẫn nhằm xác định các lỗ hổng và đảm bảo quyền truy cập vào chất bán dẫn và các thành phần quan trọng của chúng.

Nhiều cuộc thảo luận gần đây về chuỗi cung ứng chất bán dẫn đã được khơi mào bởi tình trạng thiếu chip toàn cầu đã ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp từ ô tô đến điện tử tiêu dùng, và các nhà lãnh đạo lo lắng về khả năng bảo đảm chất bán dẫn của quốc gia họ khi được yêu cầu.

Vậy Trung Quốc bây giờ đang ở đâu?

Trung Quốc có thể đi trước các đồng nghiệp của mình trong một số lĩnh vực phát triển chip, nhưng nước này sẽ gặp khó khăn trong việc bắt kịp công nghệ tiên tiến, ít nhất là trong ngắn hạn.

Ví dụ, SMIC có thể sản xuất chip 28 nanomet trên quy mô lớn. Chúng có thể được sử dụng trong TV hoặc thậm chí ô tô - một lĩnh vực mà Trung Quốc có thể làm tốt, đặc biệt là với tình trạng thiếu chất bán dẫn hiện nay.

Tuy nhiên, để nhìn lại mọi thứ, TSMC đã và đang làm việc trên công nghệ 3 nanomet. SMIC sẽ phải nắm vững các quy trình sản xuất mà TSMC đã làm trong nhiều năm trước khi có thể bắt kịp.

“Vì vậy, ngay cả khi Trung Quốc tiến nhanh về phía trước dựa trên các công nghệ hiện có này cũng sẽ không đủ để bắt kịp và giảm bớt sự phụ thuộc vào lợi thế dẫn đầu bởi vì lợi thế dẫn đầu liên tục tiến về phía trước,” Hanbury nói.

Phan Văn Hòa (theo CNBC)

Đổ 100 tỷ USD, hãng chip khổng lồ giải 'cơn khát' của thế giới

Đổ 100 tỷ USD, hãng chip khổng lồ giải 'cơn khát' của thế giới

Hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới đã quyết định bỏ ra cả trăm tỷ USD để chuyển hướng sản xuất ở một quốc gia khác.