Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng, môi trường học tập phải thân thiện, an toàn, không có bạo lực, bắt nạt, kể cả bắt nạt trực tuyến. Cơ sở vật chất trường học phải đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn thương tích. Các trường tổ chức các hoạt động tình nguyện mang tính hướng thiện và giáo dục nhân cách cho học sinh, giúp học sinh phát huy những đức tính tốt đẹp nhất, giáo dục, định hướng cho giáo viên, học sinh về internet an toàn.

Theo Sở GD-ĐT này, học bạ là sự ghi nhận suốt hành trình học tập và theo suốt hành trình về sau của mỗi con người, vì thế cần ghi nhận mặt ưu điểm còn nhược điểm, khuyết điểm chỉ là một phần của thời học sinh.

Khi đánh giá khuyết điểm, nhà trường cần xem xét cả quá trình theo dõi sau khi đã phối hợp gia đình hỗ trợ học sinh, xem xét kĩ câu chữ khi nhận xét vào học bạ của học sinh. Nhà trường lưu giữ hồ sơ liên quan đến kỉ luật học sinh theo quy định, không ghi hình thức kỉ luật vào học bạ của học sinh.

anh minh hoa .jpeg
Các trường học cần tổ chức các hoạt động mang tính hướng thiện và giáo dục nhân cách cho học sinh, giúp học sinh phát huy những đức tính tốt đẹp nhất, giáo dục, định hướng cho giáo viên, học sinh về internet an toàn 

Các trường học cần vinh danh, khen thưởng học sinh, tập thể lớp như là sự khích lệ động viên những hành vi tốt, những tiến bộ tích cực. Đồng thời, có hệ thống phản hồi và ghi nhận thành tích/kết quả của học sinh một cách công bằng, khách quan và kịp thời để khuyến khích học sinh tiếp tục cố gắng và phấn đấu.

Việc xây dựng trường học xanh - sạch - an toàn (không khí sạch, nước sạch, không gian xanh, giảm rác thải hiệu quả) như khu vệ sinh bố trí hợp lý theo từng khối chức năng và đáp ứng yêu cầu sử dụng của giáo viên và học sinh. Nhà trường phải đảm bảo nhà vệ sinh sạch đẹp, không làm ô nhiễm môi trường.

Hiệu trưởng, lãnh đạo cơ sở giáo dục cần xây dựng tầm nhìn, chiến lược phát triển của nhà trường theo hướng phát triển toàn diện cho giáo viên và học sinh. Nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý và tạo thêm nhiều giá trị cho cộng đồng, xã hội và môi trường giáo dục.

Sở nhấn mạnh, tình yêu thương là cấp độ cao nhất của quan hệ lãnh đạo. Hiệu trưởng nhà trường nghiên cứu các tiêu chí trong Bộ Tiêu chí Trường học hạnh phúc để xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết, cụ thể phù hợp tình hình thực tế tại đơn vị. Đảm bảo việc xây dựng Trường học hạnh phúc tại đơn vị đi vào thực chất, không mang tính hình thức. Đồng thời tạo môi trường tích cực thuận lợi cho việc học tập đồng thời thực hành tiết kiệm năng lượng, tài nguyên môi trường trong mọi hoạt động, bao gồm cả việc nâng cao nhận thức trong cộng đồng.

Đây là những nội dung trong Bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc mà giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM ban hành. Lần đầu tiên một bộ tiêu chí gồm 18 tiêu chí, với 3 nhóm tiêu chuẩn, cụ thể nhóm tiêu chuẩn về Con người: gồm 6 tiêu chí; Nhóm tiêu chuẩn về Dạy học và hoạt động giáo dục: gồm 8 tiêu chí; Nhóm tiêu chuẩn về Môi trường: gồm 4 tiêu chí, được Sở GD-ĐT TP.HCM ban hành nhằm nâng cao văn hoá ứng xử trong trường học. 

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết quá trình xây dựng Bộ tiêu chí "Trường học hạnh phúc" được thực hiện cẩn trọng, có sự đóng góp của các chuyên gia, trường học.

Ông Hiếu đề nghị khi triển khai Bộ tiêu chí, các nhà trường cần thực hiện đồng bộ, phù hợp điều kiện thực tế, không hình thức, thành tích. Đồng thời, các trường phải quan tâm đối tượng cha mẹ học sinh, đưa họ vào như một trong những chủ thể quan trọng, có ảnh hưởng quá trình xây dựng trường học hạnh phúc.

Theo kế hoạch của Sở, sau khi ban hành Bộ tiêu chí và triển khai Trường học hạnh phúc sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc phù hợp với định hướng của Thành phố “văn minh, hiện đại, nghĩa tình”. 

Từ năm học 2024-2025 tiếp tục triển khai và chọn những cơ sở thực hiện tốt để nhân rộng điển hình mô hình trường học hạnh phúc tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố một cách đồng bộ, thực chất, hiệu quả. Đồng thời, Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh các nội dung xây dựng Trường học hạnh phúc.

Thanh Bình và nhóm PV, BTV