Các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, giảng viên các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu chia sẻ tại hội thảo những vấn đề đặt ra trong giảng dạy và nghiên cứu chính trị học, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy ngành học này.

PGS.TS Lê Thu Nghĩa (Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho hay, việc giảng dạy chính trị học đang đứng trước nhiều thách thức. Một trong số đó đến từ sự bùng nổ của công nghệ thông tin với khối lượng kiến thức khổng lồ. “Việc chắt lọc, vận dụng các kiến thức làm sao cho phù hợp với từng bài giảng góp phần quyết định thành công của một giờ dạy”.

PGS.TS Lê Thu Nghĩa: Người học cũng cần khắc phục tâm lý học cho xong, học cốt có điểm

Thách thức cũng đến khi diễn biến thực tiễn có nhiều đổi thay, trong khi công tác nghiên cứu, giảng dạy, lý luận chưa được cập nhật nhanh chóng. 

“Khi khối lượng kiến thức khổng lồ, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, các vấn đề mang tính toàn cầu, để làm tốt các công tác giảng dạy thì bản thân người dạy cũng như người học đều phải có một cái nhìn tổng hợp, thấy được mối quan hệ tổng quát cũng như từng vấn đề cụ thể của bộ môn này”, bà Nghĩa nêu.

Theo bà, để vượt qua được những thách thức, đội ngũ giảng viên phải nỗ lực rất nhiều để điều chỉnh bản thân cho phù hợp với xu thế thời đại. Người học cũng cần khắc phục tâm lý học cho xong, học cốt có điểm.

TS Trần Thị Thu Huyền (giảng viên khoa Lý luận chính trị - Giáo dục công dân, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho hay, trường cũng như cá nhân bà quan tâm đến việc làm sao để dạy chính trị học mà sinh viên cảm thấy vui vẻ, thú vị.

TS Trần Thị Thu Huyền: Vấn đề là chúng ta có truyền cảm hứng cho sinh viên hay không

Để làm điều đó, TS Huyền chọn phương pháp dạy học theo dự án, tổ chức hoạt động trải nghiệm trong môn học.

Bà lấy dẫn chứng việc cho các sinh viên mô phỏng lại một buổi tranh cử giữa các ứng viên tổng thống Mỹ, đóng vai các ứng viên ngay trên giảng đường. Như vậy thay vì “học chay”, sinh viên được trải nghiệm, phân tích và mổ xẻ các kiến thức, vấn đề.

Sau đó, bà đưa ra những câu hỏi mang tính định hướng để hỏi quan điểm và cũng xây dựng các tiêu chí để đánh giá. 

“Tôi cũng đánh giá các em có nhu cầu tìm hiểu về chính trị hằng ngày không, có nhu cầu xem tin tức thời sự không, có nhu cầu tương tác với giảng viên liên quan tới vấn đề chính trị hay không, có nhu cầu trao đổi hay các câu chuyện của sinh viên liên quan tới chính trị mỗi ngày là bao nhiêu phần trăm,...”, bà Huyền nói. “Sinh viên của chúng ta vô cùng sáng tạo, vấn đề chỉ là chúng ta có truyền cảm hứng và cho họ đất diễn hay không mà thôi”.