Năm 2023 đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch Việt Nam với lượng khách nội địa và khách cả thị trường khách quốc tế. Đóng góp vào sự phục hồi đó, công tác tuyên truyền đã khẳng định được vai trò trong việc xúc tiến, quảng bá, chất lượng du lịch.

anh 1s.jpg
Công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch. Ảnh: T.Q

Phát biểu tại tọa đàm, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch. Trong thời gian qua, công tác truyền thông đã đóng góp nhiều cho việc thay đổi nhận thức của mọi người về lĩnh vực du lịch, đồng thời thúc đẩy tính tích cực trong phát triển du lịch ở các vùng miền. “Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang làm thay đổi diện mạo thế giới như hiện nay, vai trò của truyền thông càng được khẳng định rõ nét”, ông Bình nhấn mạnh.

Do vậy, Hiệp hội du lịch Việt Nam kỳ vọng rằng, các nhà báo sẽ là những chiến sĩ tiên phong trong lĩnh vực truyền tải thông tin về du lịch, chủ trương, chính sách về du lịch, những thay đổi trong ngành du lịch đến cộng đồng dân cư và doanh nghiệp du lịch.

Tại tọa đàm, ông Vũ Quốc Trí, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, truyền thông đóng vai trò quan trọng giúp du khách trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về ngành du lịch; góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp của đất nước, con người Việt Nam cũng như có tiếng nói góp ý để ngành du lịch Việt Nam cải thiện những thiếu sót. Tuy nhiên, để ngành du lịch Việt Nam phát triển bền vững, phát triển mạnh mẽ, xứng tầm với tiềm năng cần sự truyền thông đúng mực. “Khi chúng ta truyền thông một vấn đề quá mức, quá tốt hay quá xấu, đều làm ảnh hưởng tới hình ảnh của du lịch Việt Nam. Vì thế truyền thông khi đưa thông tin về du lịch Việt Nam cần dựa trên tính tổng thể, xem xét thông tin đưa ra là để thúc đẩy cho sự phát triển du lịch nói riêng và kinh tế-xã hội của đất nước nói chung”, ông Vũ Quốc Trí bày tỏ.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtour cho rằng, truyền thông trong du lịch góp phần đưa đến cho du khách những thông tin chân thực, khách quan, rõ ràng và đầy đủ về điểm đến, sản phẩm, dịch vụ. Những kênh truyền thông du lịch tin cậy không chỉ là nơi giới thiệu mà còn trở thành các chuyên gia tư vấn, định hướng cho du khách. "Sự bùng nổ của công nghệ thông tin kéo theo sự phát triển của các kênh truyền thông đặt ngành du lịch trong sự canh tranh khốc liệt, không chỉ về chất lượng của sản phẩm, dịch vụ mà còn là sự cạnh tranh về việc sử dụng truyền thông để quảng bá một cách hiệu quả", ông Hoan nhấn mạnh.

Tương tự, ông Phạm Duy Nghĩa - Giám đốc CEO Vietfood Travel cũng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của truyền thông trong quảng bá sản phẩm du lịch của mỗi doanh nghiệp, của từng địa phương hay quốc gia. Truyền thông không chỉ giúp thu hút du khách tiềm năng mà còn góp phần tăng cơ hội để du khách quay trở lại điểm đến, giúp kích thích nhu cầu chi tiêu của khách hàng. Vì thế, rất cần nguồn thông tin chính thức từ cơ quan chủ quản, quản lý ngành Du lịch và sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông để tập trung truyền thông cho du lịch Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng nhiều hơn, đa dạng hơn.

Tại tọa đàm, đại diện Hiệp hội du lịch Việt Nam, các doanh nghiệp du lịch, các cơ quan báo chí đã thảo luận những vấn đề liên quan đến truyền thông về phát triển du lịch bền vững; những kênh truyền thông nào có thể được sử dụng để truyền thông các thông điệp về phát triển du lịch bền vững; cách thức truyền thông về phát triển du lịch bền vững đến độc giả và du khách; truyền thông cần làm gì và làm thế nào khi xảy ra các sự cố, khủng hoảng về du lịch...

Các ý kiến cho rằng, để truyền thông du lịch hiệu quả cần thông tin đa chiều từ cả phía cơ quan quản lý, Hiệp hội Du lịch và các địa phương. Nhiều thông tin phản biện xã hội liên quan đến hoạt động du lịch cần có sự thông tin kịp thời từ phía cơ quan quản lý, các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia để cơ quan truyền thông đưa tin phản ánh kịp thời, đúng định hướng và hiệu quả.

Tiến Quang