Bà Trần Thị Thắng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Rsươm bày tỏ sự xúc động khi các hội viên được tiếp cận trực tiếp mô hình truyền thông sách khởi nghiệp của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đồng thời khẳng định các cấp chính quyền sẽ là đầu mối, gợi mở thêm các vấn đề liên quan tới hoạt động khởi nghiệp cho chị em tại địa phương.
Chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của gia đình, bà Phạm Thị Thanh Hiển, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Ia Rsươm cho biết sẵn sàng hỗ trợ các chị em phụ nữ tạo nhóm nhỏ kinh doanh, bước đầu kinh doanh những nông sản, đặc sản địa phương.
Tham gia chương trình truyền thông, nhiều chị em đã mong muốn có việc làm thời vụ, những công việc bán thời gian, linh hoạt trong những lúc nhàn rỗi, bởi vụ mì chỉ diễn ra khoảng nửa năm. Một số chị em cho biết vì lý do gia đình, chăm sóc con nhỏ hoặc đông con, chưa có điều kiện và kỹ năng sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp.
Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các chị em ở xã Ia Rsươm, bà Nguyễn Thị Bích Hậu, doanh nhân, nhà báo, đã chia sẻ những kinh nghiệm quản lý tài chính cho phụ nữ.
Trước thực tế tại xã Ia Rsươm, chế độ mẫu hệ vẫn còn tồn tại, bà Hậu cung cấp nhiều thông tin, kiến thức hữu ích, giúp chị em có quan niệm đúng về tiền bạc, biết cách quản lý chi tiêu cá nhân hoặc gia đình để giảm bớt gánh nặng tài chính.
Bà Nguyễn Thị Bích Hậu là tác giả của nhiều cuốn sách về khởi nghiệp và giáo dục.
Chẳng hạn, “Sổ tay khởi nghiệp dành cho phụ nữ” với 4 phần chính: Chuẩn bị thế nào cho khởi nghiệp; Khởi nghiệp bắt dầu từ đâu; Trang bị cho bản thân những gì để khởi nghiệp; Khúc quanh của con đường. Cuốn sách mang tới nhiều kiến thức, kinh nghiệm cốt yếu nhất, kể những câu chuyện thú vị từ các mô hình khởi nghiệp của chị em phụ nữ tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới để cùng chia sẻ, học hỏi và cùng tiến bộ.
Hoặc “Sổ tay quản lý tài chính dành cho phụ nữ” với 5 phần chính: Hiểu về tiền; Quản lý tài chính gia đình; Thiết lập mô hình quản lý tài chính gia đình; Phân công quản lý tài chính trong gia đình; Tăng thu giảm chi có chiến lược. Cuốn sách sẽ giúp độc giả cảm thấy bớt đi những gánh nặng trong việc quản lý tài chính, dù là của cá nhân hay gia đình, khi nắm được ba vấn đề quan trọng là quan niệm đúng về tiền bạc, hiểu rõ các mối quan hệ của con người khi nó liên can tới tiền bạc, và nắm vững các kỹ năng quản lý tài chính.
Một cuốn sách khác nữa là “Hỏi đáp về pháp lý và tài chính khởi nghiệp với 3 phần chính: Pháp lý doanh nghiệp; Tài chính khởi nghiệp; Kế toán và thuế. Cuốn sách giúp cho người khởi nghiệp có góc nhìn tổng quan trước khi khởi nghiệp, định hình được nguyên tắc pháp lý, quản trị tài chính và quản trị kế toán. Từ đó nâng cao kiến thức, giảm thiểu được rủi ro và định hướng phát triển doanh nghiệp thông qua các câu hỏi và câu trả lời cụ thể, súc tích. Đây là một cuốn cẩm nang hữu ích, giải đáp các kiến thức cơ bản cần thiết về các vấn đề pháp lý và tài chính khi khởi nghiệp cho các hội viên và các cấp hội phụ nữ.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cho biết: Chương trình truyền thông lần này là một trong những hoạt động triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (gọi tắt là Đề án 939), trên cơ sở đó xây dựng, kế hoạch thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ nữ về những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ…
Đề án 939 được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định 939/QĐ-TTg không chỉ tạo cơ hội cho phụ nữ phát triển sự nghiệp, mà còn góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Qua 4 năm thực hiện, đề án đã bước đầu giúp phụ nữ phá vỡ những rào cản về mặt tâm lý cũng như trở ngại từ bên ngoài để phát huy tiềm năng của bản thân.
Nhân dịp này, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã tặng các hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Rsươm nhiều cuốn sách về kinh doanh, kĩ năng quản lý tài chính, khởi nghiệp, đồng hành cùng con quản lý tài chính…