Hiện nay, ứng dụng công nghệ 4.0 đã trở thành công cụ hữu hiệu trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, giúp định hướng dư luận một cách đúng đắn, nâng cao nhận thức, khả năng tiếp cận pháp luật của người dân. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến, mạng viễn thông, sóng phát thanh, truyền hình... là hình thức phù hợp với thực tiễn và xu hướng tiếp cận thông tin hiện đại.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm đổi mới phương thức truyền thông pháp luật có ứng dụng công nghệ để tăng diện tiếp cận thông tin, đảm bảo nhanh chóng, chính xác. Đặc biệt, truyền thông trên các nền tảng số được quan tâm triển khai và phát huy hiệu quả. 

anh chup man hinh 2024 01 24 luc 100527.png
Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh Thừa Thiên Huế (IOC).

Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế (IOC) đã triển khai, vận hành hệ thống thông tin, truyền thông đa kênh; sử dụng kênh tương tác chính thức là Hue-S; hỗ trợ người dân nhận thông tin và tương tác thông qua các kênh như Facebook, Zalo, trang tin điện tử… Các kênh truyền thông của Trung tâm IOC dần được biết đến là một trong những kênh thông tin chính thống, kịp thời và chính xác, thu hút lượng người quan tâm, tương tác rất cao.

Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế thường xuyên chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị liên quan của ngành công an biên tập, xây dựng nội dung và thiết kế banner tuyên truyền, phổ biến các nội dung liên quan đến pháp luật, cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cảnh báo và xử lý cháy rừng, các thông tin sai lệch… Từ đó, góp phần tuyên truyền, truyền thông cho người dân nắm bắt, nâng cao tinh thần cảnh giác; xây dựng ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần quan trọng trong việc làm cầu nối đưa pháp luật của Nhà nước đi vào đời sống xã hội.

Theo Giám đốc Trung tâm IOC Bùi Hoàng Minh, hiện đã có hơn 800.000 lượt tải ứng dụng Hue-S, tương đương 101,3% tổng số dân trên địa bàn tỉnh có sử dụng điện thoại di động thông minh. Năm 2021, đã có gần 17,5 triệu lượt truy cập sử dụng các chức năng trên Hue-S. 

Từ đầu năm 2022 đến nay, thông qua chức năng “Thông báo cảnh báo” trên ứng dụng Hue-S, 20 bản tin thông báo cảnh báo tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đã được phát đi cho người dân.

Truyền thông qua fanpage của Trung tâm IOC với lượng theo dõi đạt trên 147.000 tài khoản. Đầu năm 2022 đến nay, tổng cộng đã đăng tải 28 tin bài tuyên truyền, phổ biến pháp luật; thu hút hơn 1,5 triệu lượt tiếp cận và hơn 200 ngàn lượt tương tác. Qua fanpage đã tiếp nhận các thông tin cần hỗ trợ qua tin nhắn, bình luận, có những trường hợp phản ánh liên quan đến pháp luật đã được chuyển các đơn vị chức năng xử lý.

Ngoài ra, việc tổ chức truyền thông qua Zalo OA để thường xuyên cung cấp thông tin cho toàn bộ người dùng toàn tỉnh. Hiện ZaloOA đã đạt trên 100.000 lượt quan tâm. Cũng từ đầu năm 2022 đến nay, đã đăng tải tổng cộng 25 tin bài tuyên truyền, phổ biến pháp luật; thu hút gần 39 ngàn lượt xem.

Bên cạnh đó, việc triển khai lắp đặt, kết nối trên 500 camera giám sát từ các địa phương, đơn vị toàn tỉnh, với áp dụng các giải pháp về trí tuệ nhân tạo (AI) cho hệ thống camera như nhận diện khuôn mặt, vi phạm giao thông, lấn chiếm vỉa hè... đã ghi nhận và tiếp nhận hơn 19 ngàn trường hợp vi phạm giao thông và tích cực phối hợp hỗ trợ ngành công an truy vết hơn 600 vụ án có dấu hiện yếu tố hình sự. 

Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, công tác tuyên truyền, truyền thông phổ biến pháp luật cần đổi mới không ngừng. Đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin là giải pháp tất yếu nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu tiếp cận thông tin, tìm hiểu pháp luật của các tầng lớp nhân dân.

Để công tác phổ biến giáo dục pháp luật đạt kết quả cao, thời gian tới, Thừa Thiên Huế tiếp tục nâng cao chất lượng tin bài, tăng cường ứng dụng mạng xã hội, mạng viễn thông vào công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Tăng cường các giải pháp truyền thông nhằm nâng cao nhận thức người dân trong việc tiếp cận và sử dụng có hiệu quả các quy định về pháp luật.

Cùng với đó, xây dựng các chuyên mục chuyên tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp chuyên trang phổ biến giáo dục pháp luật trên các trang tin điện tử. 

Tổ chức các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật trên các trang thông tin điện tử để góp phần tuyên truyền, phổ biến kịp thời các quy định pháp luật cần thiết trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, bồi dưỡng kỹ năng xử lý tình huống pháp luật và hình thành thói quen tuân thủ pháp luật.

Thu Hằng và nhóm PV, BTV