Hành vi gian lận, nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đã được hình sự hóa và từ ngày 1/1/2018, bắt buộc coi như là tội phạm. Nếu vụ án hình sự xảy ra, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) truy tố, Tòa án nhân dân (TAND) các cấp phải thụ lý, xét xử…
Nợ BHXH đến 14.700 tỷ đồng
Theo BHXH Việt Nam, tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT còn diễn ra phổ biến. Đến tháng 10, số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp chiếm 6,3% số phải thu. Trong đó, nợ dưới 6 tháng chiếm tỷ lệ cao với 7.300 tỷ đồng; nợ BHYT các đơn vị sử dụng lao động là 1.569 tỷ đồng.
Tính chung, hiện có đến 102.900 đơn vị đang nợ BHXH của 2,6 triệu lao động, tương đương với số tiền 14.700 tỷ đồng. Cơ quan BHXH đã khởi kiện 8.800 vụ với số tiền khoảng 6.000 tỷ đồng. Tòa án các cấp đã xử 3.986 vụ, tương đương với 16% tổng số nợ, số vụ. Các vụ còn lại, Tòa án trả lại hồ sơ.
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình. |
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, nguyên nhân là do quy định pháp luật giao cơ quan BHXH có quyền kiểm tra, xử phạt. Sau kiểm tra, xử phạt, trình tự hành chính xong, Tòa mới giải quyết. Chính vì vậy, Tòa có công văn yêu cầu không thụ lý đơn này nữa vì không đúng quy định của tố tụng hình sự mới được ban hành.
“Sở dĩ có công văn này là xuất phát từ một vụ kiện của cơ quan BHXH nhưng sau đó Viện KSND Tối cao kháng nghị và Tòa án thấy kháng nghị của Viện KSND đúng. Bản án mà Tòa đã xử tuyên phải hủy để đúng trình tự tố tụng”, ông Nguyễn Hòa Bình cho hay.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động, Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động năm 2012, Luật BHXH năm 2014 và gần đây nhất là Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định, tổ chức công đoàn có quyền đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa.
Các tổ chức công đoàn cũng khởi kiện 138 vụ. Trong quá trình xét xử lại gặp vướng mắc về luật. Theo ông Nguyễn Hòa Bình, đây là vụ kiện dân sự. Bên nguyên đơn và bên bị đơn bình đẳng với nhau theo nguyên tắc “việc dân sự cốt ở đôi bên”, các bên quyền thỏa thuận. Nhưng công đoàn không được quyền thỏa thuận.
"Công đoàn không có quyền đứng trước tòa để nói tăng tiền đóng bảo hiểm cho doanh nghiệp này, giảm mức đóng cho doanh nghiệp kia. Công đoàn không có quyền đại diện để thỏa thuận các việc kiện dân sự, cho nên vụ án không giải quyết được theo trình tự nào cả", Chánh án Tối cao nói.
Tăng cường thanh tra để có cơ sở xử hình sự
Nhưng đây là vấn đề “nóng”, nếu không khắc phục được tình trạng nợ đọng BHXH sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động, đặc biệt là khi người lao động nghỉ hưu, gây bức xúc trong xã hội.
Báo cáo của các tỉnh cho thấy, đến hết tháng 10/2017, đã có 2.328 cuộc thanh tra chuyên ngành về đóng, nộp BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Tất cả các địa phương đều đã có quyết định thanh tra chuyên ngành nhưng chưa nhiều.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu đã yêu cầu, BHXH các tỉnh, TP tập trung hơn nữa vào công tác thanh tra chuyên ngành, thu, khai thác và phát triển đối tượng, giảm thấp nhất nợ đọng BHXH.
“BHXH Việt Nam đang phối hợp với Tòa án xây dựng thông tư hướng dẫn, việc thanh tra, xử phạt, doanh nghiệp không chấp hành hoặc chấp hành không nghiêm thì chuyển hồ sơ sang Công an và Tòa án theo quy định của Luật Hình sự. Nếu không thanh tra thì không có cơ sở để xử lý hình sự. Không thanh tra là lỗi của ngành BHXH", Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu nêu rõ.
Quốc hội cũng đã thông qua Bộ luật Hình sự và quy định từ ngày 1/1/2018, các hành vi gian lận, nợ, trốn đóng BHXH bắt buộc coi như là tội phạm.
“Nếu vụ án hình sự xảy ra, cơ quan điều tra vào cuộc, Viện KSND truy tố, Tòa án các cấp phải thụ lý theo đúng quy định của luật”, ông Nguyễn Hòa Bình nói và cho hay, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao sẽ có nghị quyết để hướng dẫn xử lý, xét xử các vụ án hình sự liên quan đến BHXH.
(Theo Báo thanh tra)