Con trai tôi đang học cấp 2 ở một trường công có tiếng tại Hà Nội. Tôi hỏi con, từ đầu năm đến giờ các con đã được học gì về giáo dục giới tính, phòng chống xâm hại hay chưa, bởi từ đầu năm cô giáo nói sẽ có giờ học này. Con trả lời là chưa vì quá bận học các môn khác.

Thật ra, trong sách Khoa học lớp 5 hồi con tiểu học đã có một vài bài học về cơ thể người, tuổi dậy thì và cách vệ sinh, cách phòng tránh bị xâm hại. Hồi con học lớp Năm có chuyên gia đến trường giảng cho các con về cách tự bảo vệ mình trước các hành vi xúc phạm đến thân thể và tinh thần.

Tôi biết, vài năm nay có nhiều trường ở Hà Nội tổ chức các buổi nói chuyện, sinh hoạt ngoại khóa tương tự cho học sinh. Tuy nhiên, những bài giảng trong sách và thực hành quá mỏng, quá thiếu và khó giúp những đứa trẻ còn non nớt biết tự bảo vệ mình.

Gần đây, có liên tiếp các tin tức về những vụ xâm hại tình dục trẻ em từ ngay thầy giáo như ở Phú Thọ, Bắc Giang, Hóc Môn (TPHCM)… Tôi cảm thấy thật nhức nhối, căm giận những “người thầy” như thế, nhưng sau hết, câu hỏi lớn nhất là chúng ta phải làm gì thật sự hiệu quả để chống lại, chấm dứt nạn xâm hại tình dục trong trường học?

Có lẽ không thể để các trường tiến hành các hoạt động dạy kỹ năng phòng chống xâm hại một cách tự phát, nhỏ lẻ, hời hợt được nữa. Ngành giáo dục phải hành động ngay, quyết liệt để ra một chủ trương chung nhằm giữ gìn kỷ cương, tôn nghiêm trong nhà trường, đảm bảo cho các em có một môi trường học tập thân thiện, văn minh.   

{keywords}
Tấm khẩu hiệu đặt tại ngôi trường có hiệu trưởng bị nghi dâm ô học sinh tại Phú Thọ. Ảnh: LĐO

Cần bắt đầu từ những người thầy. Tháng 10.2018, Chính phủ đã phê duyệt đề án về xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 – 2020, trong đó yêu cầu 100% các trường phải xây dựng bộ quy tắc ứng xử. Bộ quy tắc này nên đề cập hành vi chuẩn mực của giáo viên, bao gồm cả trên khía cạnh ngăn chặn các nguy cơ xâm hại học sinh. Vấn đề đạo đức nhà giáo nên luôn được nhắc nhở thường xuyên, chứ không chỉ là những báo cáo thành tích học sinh giỏi.

Tôi biết một trường mẫu giáo bán công ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nơi không có dịch vụ trông trẻ quá giờ, đã ra quy định: nếu bố mẹ đón muộn thì các cô phải ở lại với trẻ, nhất là bé gái, chứ không được gửi bác bảo vệ trông 15 -20. Nếu các trường có những quy định thật cụ thể như thế, chắc chắc bố mẹ học sinh cũng như chính các thầy cô sẽ yên tâm hơn.

Trường học phải là môi trường minh bạch, dân chủ, giàu lòng yêu thương, để  các quy tắc phải được thực thi, để các thầy cô, các học sinh có thể lên tiếng về những băn khoăn, khó khăn, kể cả nỗi sợ của mình.

Có lẽ các trường cần triền khai chuyên gia tư vấn tâm lý học đường để các em có thể chia sẻ mọi vấn đề tâm lý, sức khỏe tinh thần. Một số trường tư ở Việt Nam cũng đã có các chuyên gia tâm lý, nhưng trường công hầu như không có. Trong khi đó, ở nhiều nước, mô hình này hoạt động rất có ích.

Theo thống kê từ Bộ Công an, năm 2018 số vụ án xâm hại tình dục trẻ em là 1.269 (chiếm 82% so với tổng số vụ xâm hại trẻ em) với 1.141 trẻ bị xâm hại tình dục. Tới hơn 60% số vụ trẻ bị xâm hại là bởi người quen biết, thân thiết, như người trong gia đình, hàng xóm, thầy giáo, người quen…

Báo cáo "Out of the shadow" (Ra khỏi bóng tối) của của tổ chức Economist Intelligence Unit công bố tháng 1.2019 cho thấy, bạo lực tình dục với trẻ em là vấn nạn phổ biến, bất luận các nước có nền kinh tế phát triển đến mức nào. Mỗi năm trên thế giới có tới 200 triệu trẻ em bị bạo lực tình dục. Một quan chức của Interpol cảnh báo: "Nạn nhân là các trẻ em ngày càng nhỏ tuổi hơn. Trẻ càng nhỏ tuổi, hình thức lạm dụng càng bạo lực, đặc biệt với trẻ em trai”.

Nghĩa là tội ác với những đứa trẻ liên tục xảy ra, ở bất kỳ đâu, bất kỳ lứa tuổi nào, giới tính nào. Chờ đến lớp 4,5 mới đưa vào chương trình việc dạy trẻ tự bảo vệ mình trước nguy cơ xâm hại, là quá muộn. Đứa trẻ cần được dạy những điều đó thậm chí ngay từ mẫu giáo, với những phương thức phù hợp với lứa tuổi.

Gia đình đóng vai trò tiên quyết trong việc dạy con em mình các kỹ năng tự bảo vệ. Nhưng với nhiều bậc cha mẹ, đây vẫn là vấn đề được coi là nhạy cảm, và chính họ cũng thiếu kiến thức. Vì thế nhà trường càng không thể né tránh, làm ngơ.

Cách đây vài hôm, bạn tôi là giảng viên kêu trời vì thêm một sinh viên nữ của chị gặp “hậu quả”, có một vài biến chứng và phải chuyển đến bệnh viện. Tôi hỏi, tưởng thời này rồi thì các em sinh viên phải có kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản rất tốt rồi chứ. Chị cay đắng: Tất cả chúng ta đều tưởng thế đấy!

Trời ơi, có những cô gái, đã là tuổi sinh viên, ở thời đại của Internet, mà vẫn không biết cách bảo vệ mình. Vậy thì nói gì đến những đứa trẻ nhỏ, trong bối cảnh bị động, yếu ớt, sợ hãi, mặc cảm?

Nhìn rộng ra, luật pháp cần có những hình phạt đích đáng, nghiêm khắc với những con yêu râu xanh đội lốt người.  Việc tuyên truyền, giáo dục trong xã hội về nạn xâm phạm tình dục cũng cần được lưu ý để tăng cường nhận thức, trách nhiệm cho mọi người, để không có những lời biện bạch, bao che kiểu “sờ đùi, vỗ mông học sinh không phải hành vi dâm ô”.

Chúng ta luôn mong những đứa trẻ của chúng ta lớn lên khỏe mạnh, lành mạnh, tự tin, sáng tạo và đóng góp được nhiều cho cuộc sống. Chẳng thể nào khác, một trong những điều kiện cần là ngay từ khi còn nhỏ, các em phải được hưởng “mỗi ngày đến trường là một ngày vui vẻ, an toàn”.

Mỹ Hằng

Những khoảng trống từ vụ ‘sờ soạng’ học sinh không bị coi là dâm ô

Những khoảng trống từ vụ ‘sờ soạng’ học sinh không bị coi là dâm ô

 - Là người đứng trên bục giảng, tôi tin rằng rất nhiều thầy cô cũng như tôi, thật sự cần những chỉ dẫn ứng xử để không phải rơi vào lúng túng, sai phạm trong những va chạm với học trò.