“Em muốn được phẫu thuật rồi cho em sống một giờ thôi em cũng chịu, chỉ cần chết trong thân xác một người phụ nữ”, đó là khát vọng được là chính mình của một người chuyển giới từ nam sang nữ.
Liều cả mạng sống để được làm phụ nữ
Câu chuyện đời của Cát Thy (người chuyển giới từ nam sang nữ, hiện đang sống tại TP.HCM) khiến người nghe không cầm được nước mắt.
Cát Thy sinh ra có hình thể con trai nhưng tâm hồn là con gái. Ngay từ thời thơ ấu, Thy đã thích nhảy dây, thích búp bê, thích mặc đồ con gái. Đến tuổi dậy thì, khao khát trở thành con gái quá lớn Thy đã phải bỏ quê ra TP.HCM sinh sống. Ở đây Thy phải đi hát đám ma, đám cưới để kiếm sống qua ngày, nhưng Thy hạnh phúc vì được “mặc đồ con gái”, được sống như mình mong muốn.
Cát Thy sẵn sàng đánh đổi cả mạng sống để được mang thân hình của một người phụ nữ. Ảnh: La Hoàn |
Thy bảo, mình là nữ, phải mang hình dáng của nữ, Thy đã cố gắng chuyển hóa mình. Dù biết silicon có hại cho sức khỏe, thậm chí có thể thiệt mạng nếu bị sốc thuốc, Thy vẫn liều mạng bơm để có được thân hình của một người phụ nữ.
“Người ta có tiền thì đắp thuốc ngực, thuốc của bên Thái thì 40-50 triệu. Chúng em hát đám ma đám cưới thì lấy đâu ra tiền, phải bơm silicon. Nhiều người chết vì thuốc silicon vào tim, nhưng ước nguyện của em là người nữ nên em vẫn bơm. Dù chết khi mình là con gái thì mình vẫn hạnh phúc”, Thy chia sẻ.
Thy kể thêm: “Người tiêm cho em là người chuyển giới chứ không phải bác sĩ. Mỗi mũi tiêm là một lần đau xé thịt, em phải lấy răng cắn gối chịu đựng cho đến khi hết thuốc. Nhưng sau sự đau đớn đó là vui sướng, hạnh phúc vì mình đã là một người con gái”.
Cùng với tiêm silicon để có bộ ngực con gái, một tuần Thy phải điều trị hóc môn một lần. Hóc môn cũng giống như silicon đều không rõ nguồn gốc, do người chuyển giới như Thy mua từ bên Thái Lan về bán. Dù biết dùng loại thuốc này sẽ bị teo cơ, liệt cơ, xương giòn dễ bị gãy, ảnh hưởng đến thần kinh nhưng vì khát vọng mãnh liệt được mang thân hình phụ nữ, Thy chấp nhận mọi rủi ro.
“Hóc môn cho phép 10 ngày chích một lần, nhưng vì khát khao sớm là con gái nên khoảng 5 ngày là em đã chích. Bạn em đã có người mất mạng vì sốc thuốc. Biết là chết, là đau khổ nhưng em vẫn tiến tới vì khao khát quá mãnh liệt. Đã chấp nhận để người ta khinh bỉ là pê-đê rồi nên không còn gì quan trọng nữa. Là pê-đê cho ra đàng hoàng, chết cũng phải là một người nữ”, Thy chia sẻ.
Biết rằng khi thể hiện mình là người chuyển giới sẽ bị mọi người kỳ thị nhưng Thy vẫn chấp nhận.
“Có lần em đi hát đám ma, xin người ta 20 ngàn người ta bắt em phải quỳ gối. Khi em không làm thì họ quay sang mắng chửi thậm tệ. Em vào quán net còn máy nhưng người ta bảo không còn. Người ta không ưa, không thích là người ta chà đạp. Chúng em đâu muốn đi hát đám ma, đi lang thang, đứng đường vẫy khách. Chúng em cũng muốn làm cô giáo, thầy giáo hay một viên chức bình thường để đóng góp cho xã hội. Chỉ muốn là một người bình thường, được sống là chính mình thôi, mong mọi người hãy chấp nhận chúng em”, Thy nói trong nước mắt.
“Mày là đồ bệnh hoạn”
Đó là lời xúc phạm mà Ngọc Ly (một người chuyển giới từ nam sang nữ, hiện đang sống ở Hà Nội) phải nghe trong một thời gian dài. Đau đớn hơn, ngay cả bố mẹ cũng dành cho em những lời miệt thị như thế.
Ly khao khát được sống như một người con trai nhưng cuộc sống thực tại quá khắt khe nên Ly không dám thể hiện mình. Ly cảm thấy không lạc loài khi tìm đến cộng đồng mạng, em tham gia một cuộc thi dành cho LGBT (người đồng tính, song tính và chuyển giới).
Ngọc Ly phải bỏ học giữa chừng vì sự kỳ thị của bạn bè. Ảnh: La Hoàn |
Thế rồi các bức ảnh của Ly rò rỉ đến các bạn cùng lớp. Ly trở thành đề tài bàn tán, miệt thị của các bạn. Ly bảo, nếu chỉ xúc phạm bằng lời nói thôi có lẽ em còn chịu được, các bạn còn đánh hội đồng em khiến em phải bỏ học giữa chừng.
Ly kể: “Bài kiểm tra em được điểm cao đều bị các bạn xé bỏ, dẫm đạp. Giờ ra chơi hầu như hôm nào cũng bị hắt nước ướt hết sách vở. Em có nói với thầy cô nhưng thầy cô chỉ ậm ừ rồi cho qua. Khi em phản ứng thì bị các bạn đánh hội đồng. Sau nhiều tháng gần như ngày nào cũng bị đánh hội đồng em đã trốn học. Được hơn 1 tuần thì thầy cô mời bố mẹ lên nói chuyện. Bố mẹ cũng không hiểu em, về còn đánh mắng em nhiều hơn. Bố mẹ nói em là đồ biến thái, không giống người. Lúc đó em chỉ nói với bố mẹ một câu: cả thế giới có thể nói con bệnh hoạn, biến thái nhưng xin bố mẹ đừng nói với con như vậy”, Ly kể lại trong nước mắt.
TS Phương cho biết: “Nhiều người chuyển giới bị kỳ thị và phân biệt đối xử ngay từ trong gia đình, từ khi còn bé. Nhiều gia đình đưa con đi gặp bác sĩ tâm lý, nhốt con lại, thậm chí là đánh đập. Sự kỳ thị ở cộng đồng cũng hết nặng nề. Họ bị sỉ nhục ngay cả khi đi hát đám ma, đi làm gái. Nhiều người chuyển giới ngày ngủ vì không dám ra đường, tối trang điểm ra ngoài công viên gặp gỡ những người giống mình hoặc đi làm gái. Thậm chí sử dụng nhà vệ sinh cũng không dám đi ở không gian công cộng”.
TS Phương cho biết, sự kỳ thị của gia đình, cộng đồng đã khiến không ít người bị trầm cảm, tự hành hạ mình (rạch tay, tự tử), thậm chí có bạn đi tu.
“Họ bị coi là bệnh hoạn nên rất khó xin việc. Có em xin rửa bát ở một quán ăn mà người ta cũng nói thẳng “ở đây không thuê pê-đê”. Vì thế mà họ phải đi hát đám ma, làm gái”, bà Phương phân tích.
Người chuyển giới là người có cảm nhận về giới tính mong muốn của mình không trùng với giới tính sinh học đang có. Ví dụ một người có cơ thể sinh học từ khi sinh ra là nam nhưng nghĩ mình là nữ và ngược lại. Cộng đồng người chuyển giới gồm hai nhóm: chuyển giới từ nam sang nữ và chuyển giới từ nữ sang nam. Ở Việt Nam, hiện tại chưa có cuộc tổng điều tra nào về số lượng hoặc tỷ lệ người chuyển giới ở Việt Nam. Chỉ có thể ước lượng số lượng người chuyển giới qua các diễn đàn như thegioithu3.vn (diễn đàn thu hút nhiều người chuyển giới từ nam sang nữ và đồng tính nam) với 100.245 thành viên tham gia. Diễn đàn lesking.com.vn (dành cho người chuyển giới từ nữ sang nam và đồng tính nữ) với 25.123 thành viên. Nghiên cứu mới đây nhất (T8/2012) mang tên “Khát vọng được là chính mình” do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường thực hiện cũng chỉ ra rằng, có cộng đồng người chuyển giới ở Việt Nam, và những mong muốn, nhu cầu được sống là chính mình của họ là có thật. |
(còn nữa)
La Hoàn