Tuần vừa qua nóng ngay từ ngày đầu, với vụ việc một nữ sinh ở Khánh Hòa mang xăng đốt trường, đánh dấu một tuần có nhiều sự kiện giáo dục gây chú ý (10/10 - 16/10).
Những người trẻ không xác định được giá trị
Ngày 9/10, một clip ghi lại cảnh nữ sinh cầm túi xăng rưới và châm lửa đốt trường học được chia sẻ tràn lan trên các trang mạng xã hội. Do đứng quá gần, nữ sinh này cũng bị lửa “liếm” cháy người.
Nữ sinh trong đoạn clip là Ngọc Hân, sinh năm 2003, hiện là học sinh lớp 8 của Trường THCS Nguyễn Trị Phương. Ngôi trường mà nữ sinh mang xăng tới đốt là Trường THCS Phạm Ngũ Lão (Khánh Hòa).
Nguyên nhân ban đầu được xác định, trước đó, nữ sinh này từng đăng lên Facebook rằng nếu đủ 1.000 lượt like sẽ châm lửa đốt trường. Thông tin này nhanh chóng được bạn bè chia sẻ. Khi đã đủ số lượt like, Hân bị các bạn khác xúi giục, ép đốt trường đúng như đã tuyên bố.
Các phương tiện truyền thông đã phân tích ở nhiều góc độ vụ việc này cũng như trào lưu “nói là làm” đang xuất hiện trên facebook.
Trên Zing, bác sĩ Phan Bích Nga, người phụ trách Trung tâm khám và tư vấn trẻ em, nhận xét rằng “Câu like, câu view chính là biểu hiện của việc giới trẻ mất định hướng, không có phương hướng cuộc đời, không có mục tiêu sống, không nhận thức được mình sống có ý nghĩa gì. Từ đó, các em không trân trọng cuộc sống, sẵn sàng vì sĩ diện mà hủy hoại bản thân”.
Trả lời báo Vietnamnet, TS Nguyễn Tùng Lâm nhận định việc sử dụng mạng xã hội facebook hiện nay đang có những lệch lạc. "Những người trẻ tham gia trào lưu câu like nói trên là những người không xác định được giá trị”…
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, học sinh lứa tuổi THCS là lứa tuổi đang lớn, có nhiều thay đổi tâm sinh lý và dễ bị tác động, dễ bị lôi kéo. Do đó, “trách nhiệm của nhà trường, của gia đình là cần phối hợp thường xuyên quan tâm theo dõi, diễn biến tâm sinh lý nhắc nhở để tránh tình trạng đáng tiếc như vừa qua”.
Những cuốn luận án tiến sĩ “bí ẩn”
Có hai sự kiến đánh dấu sự “trở lại” của cựu Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trên các phương tiện truyền thông.
Sự kiến thứ nhất là phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ kiện hành chính giữa người khởi kiện là ông Hoàng Xuân Quế (Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường ĐH Kinh tế quốc dân) và người bị kiện là cựu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT do Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội mở trong hai ngày 7 và 10/10.
Lý do của vụ kiện này là người khởi kiện cho rằng người bị kiện đã thu hồi bằng tiến sĩ của mình không đúng quy định.
Trước đó, tháng 6/2013, sau khi nhận được đơn tố cáo về việc ông Hoàng Xuân Quế “đạo văn” từ một luận án tiến sĩ khác, Bộ GD-ĐT đã tiến hành xác minh. Bộ kết luận ông Quế “sao chép lên đến 52,5/159 trang của luận án (khoảng 30,02%)”, từ đó ra quyết định thu hồi bằng tiến sĩ của ông Quế.
Không chấp nhận quyết định của Bộ GD-ĐT, ông Hoàng Xuân Quế đã làm đơn khởi kiện Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khi đó là ông Phạm Vũ Luận vào cuối tháng 10/2013.
Trong phiên toàn sơ thẩm ngày 7 và 10/10/2016, các luật sư tập trung tranh luận về tính hợp pháp của 3 cuốn luận án do Bộ GD-ĐT thu thập được và 3 cuốn luận án do ông Hoàng Xuân Quế cung cấp.
Chủ toạ sau đó thông báo do vụ án còn nhiều điểm “phức tạp”, hội đồng xét xử quyết định nghị án kéo dài. Dự kiến tòa sẽ tuyên án vào chiều ngày 17/10.
Sự kiện gây chú ý thứ hai có liên quan tới ông Phạm Vũ Luận là thông Thủ tướng quyết định ông Phạm Vũ Luận chuyển về Trường ĐH Thương mại để làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Chia sẻ với VietNamNet sáng ngày 14/10, ông Đinh Văn Sơn, hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, cho biết: “Nếu có dạy thì GS Luận cũng sẽ chỉ dạy cao học, hướng dẫn nghiên cứu sinh. Ông hầu như sẽ không tham gia giảng dạy đại học. Nhiệm vụ chính là đào tạo đội ngũ trẻ vừa làm khoa học. Nên hiểu theo hướng sẽ là một chuyên gia cao cấp chứ không phải là giảng viên đứng lớp”.
"Loạn" cấp chứng chỉ tiếng Anh chuẩn châu Âu
VietNamNet phản ánh hiện tượng tiêu cực trong việc nhiều đơn vị tổ chức ôn tập và thi cấp chứng chỉ tiếng Anh chuẩn châu Âu, nhiều nơi còn xuất hiện hiện tượng bao đỗ 100% cho học viên.Do Bộ chỉ cho phép 10 đơn vị tham gia đánh giá và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc, trong khi nhu cầu được cấp chứng chỉ rất lớn mà Bộ lại không có công cụ kiểm soát hiệu quả nên hiện nay đã hình thành mạng lưới cấp chứng chỉ "đa cấp".
Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) đã có phản hồi về những điều này.
Thêm 703 người đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư
Ngày 10/10, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, ông Phùng Xuân Nhạ, ký quyết định Công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2016.
Quyết định này công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư cho 65 nhà giáo và đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư cho 638 nhà giáo.
Trong 65 nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư năm nay, người cao tuổi nhất là nhà giáo Lê Thị Chiều, sinh năm 1947, ngành chuyên môn là Luyện kim.
Người trẻ tuổi nhất được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư là nhà giáo Trần Đình Thắng, sinh năm 1975, ngành Hóa học, hiện làm việc tại Trường ĐH Vinh.
TP.HCM loay hoay chỉ đạo dạy thêm, học thêm
Quyết định ngày 12/12 của UBND TPHCM “Cho phép dạy thêm trong trường khi học sinh tự nguyện” không quá bất ngờ với những ai theo dõi quá trình TP.HCM cấm dạy thêm trong trường.
Trước đó, Thành ủy TP.HCM cũng có ý kiến tương tự về vấn đề này.
Các quyết định này đã chấm dứt khoảng 5 tháng “giằng co” giữa việc thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng về việc cấm dạy thêm trong trường, với thực tế phát sinh khi thực hiện quy định đó.
Tuy nhiên, chỉ đạo mới này của UBND TPHCM vẫn tiếp tục gây tranh cãi, cũng như câu chuyện dạy thêm học thêm chưa thể có hồi kết.
Xem xét các khẩu hiệu trong trường học
Tại Hội thảo “Xây dựng môi trường văn hoá trong trường học” do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 12/10, đa số các đại biểu đều cho rằng, khẩu hiệu treo tại các trường học còn tùy tiện.
Theo Báo Thanh tra, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết “Tôi từng đến một trường THPT chuyên nhưng chỉ thấy có rất ít khẩu hiệu. Trong số rất ít khẩu hiệu ấy lại treo cả khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”, tôi thấy đây là khẩu hiệu dành cho tiểu học chứ sao lại THPT. Trong khi, khẩu hiệu đó còn sai so với cấp tiểu học”.
Còn trên Báo Dân trí, dẫn chứng một số khẩu hiệu cơ bản hiện vẫn đang được các trường học sử dụng, một đại diện ở Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng “Tiên học lễ, hậu học văn” là câu khẩu hiệu có từ thời xưa. “Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường treo câu này - nhất là trường tiểu học, mà tôi tin chắc rằng, các em học sinh lớp 1, lớp hai chắc chắn không hiểu “tiên” là gì, “hậu” là gì. Khẩu hiệu mà còn phải giải thích thì chưa phù hợp nên phải xem xét lại” – vị này khẳng định.
Cũng theo một số đại biểu, không chỉ trong trường học, nhiều thư viện treo khẩu hiệu rất cao siêu, chưa phù hợp với độ tuổi học sinh, nhất là ở các trường tiểu học.
- Ngân Anh tổng hợp