- Để chuyển sang một nền nông nghiệp hướng tới cầu, hướng tới thị trường, hướng tới giá trị gia tăng, thì bài toán đặt ra chính là thay đổi nhận thức, tầm nhìn và xoay chuyển cấu trúc nông nghiệp.

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, khẳng định khi góp ý về chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại Hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia kinh tế, do Viện Chính sách và Chiến lược NN-PTNT (IPSARD) vừa tổ chức.

Tư duy chính sách kiểu “nhỡ mà”

Vướng về nhận thức, cách tiếp cận - hạn chế lớn nhất được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chỉ ra khi tái cấu trúc ngành nông nghiệp.

Đồng tình với Bộ trưởng, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, tầm nhìn và cách tiếp cận phát triển nông nghiệp nông thôn giờ đã quá cũ, cần phải thay đổi. Đó là chiến lược phát triển vốn chú trọng đảm bảo an toàn an ninh lương thực, “khỏi đói bụng”. “Như tôi từng nhận xét cách đây 10 năm, đó là kiểu chính sách nhỡ mà. Nhỡ mà đói thì sao, nhỡ mà mất mùa thì sao? Một chính sách nông nghiệp nhỡ mà thì không bao giờ cải cách được. Chiến lược tư duy an ninh lương thực đấy ta vẫn chưa bỏ được”, ông thẳng thắn.

Kết quả là, nông nghiệp lâu nay chỉ lo sản xuất, lo phần cung tức lo năng suất, sản lượng chứ không để ý đến hiệu quả, chi phí, giá trị gia tăng. Định hướng thị trường cũng chọn thị trường nào dễ tính nhất. Ví dụ, ta bán gạo cho Philippines, lúc nào cũng dễ, cũng được nhiều... kết cục chất lượng gạo thấp, giá hời.

{keywords}

TS. Trần Đình Thiên: Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển một nền nông nghiệp nhiệt đới gió mùa đặc sắc, khác biệt dựa trên nền tảng công nghệ cao (ảnh Ngọc Hà)

Thực tế, vấn đề này đã được nhiều nhà chính sách, chuyên gia cảnh báo. Nguyên Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản Tạ Quang Ngọc, cách đây vài năm, trong một bài báo gửi VietNamNet cũng nhìn nhận, an ninh lương thực thực phẩm giờ không xét về tổng sản lượng cá, tôm đánh bắt được. Nhu cầu về thực phẩm của con người đã thay đổi. Người ta không chỉ ăn cho no, mà là ăn sao cho ngon, đủ dinh dưỡng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hơn nữa, TS. Trần Đình Thiên còn chỉ ra rằng, toàn bộ cấu trúc thị trường của Việt Nam đang lệch lạc. Sản phẩm một kiểu, đầu vào một kiểu làm cho nông dân - vốn là người quanh năm cắm mặt trên đồng ruộng - không có năng lực phản ứng. Họ biết đủ mẹo để sản xuất nhưng mẹo trên thị trường thì chịu.

“Nền nông nghiệp Việt Nam tốn kém, không hiệu quả, không hấp dẫn thế giới, không hấp dẫn nhà đầu tư là vì như vậy. Càng tăng năng suất, càng tăng sản lượng thì càng tốn nguồn lực (nước, đất, phân bón, vật tư, xăng dầu... ). Một nền nông nghiệp chỉ có nông dân Việt Nam mới chịu được”, ông đánh giá.

Vì thế, sản xuất nông nghiệp cần chuyển sang nền sản xuất hướng tới cầu, thị trường, giá trị gia tăng. Bài toán đặt ra, theo vị Viện trưởng này, chính là phải xoay chuyển được cấu trúc ngành nông nghiệp.

Vấn đề khác được nhiều chuyên gia đề cập tại hội thảo, đó là sự phân bổ nguồn lực. TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế TƯ (Bộ KH-ĐT), cho rằng, nguồn lực quốc gia hiện phân bổ chưa hợp lý, nếu không nói là sai lệch, không hiệu quả, kém cạnh tranh, không tạo ra tiềm năng tăng trưởng lớn. Trong đó, đầu tư cho nông nghiệp không đáng kể nếu không nói là gần như bị “bỏ đói”.

“Nhân tố quyết định phân bổ nguồn lực quốc gia phải là yếu tố thị trường. Cần thay đổi thể chế theo hướng để thị trường vận hành tốt hơn. Chỗ nào chưa có thị trường thì có thị trường, chỗ nào có rồi thì sửa chữa những cái méo mó và thất bại”, ông Cung nói. Ông cũng lo ngại trước thực trạng thị trường méo mó hiện nay, mọi người đều ăn xổi, không có động lực để phát triển dài hạn. Càng sản xuất nhiều lại càng thất bại, đây là điểm nghẽn của thị trường.

Trong đó, theo ông Cung, nan giải nhất là bài toán thị trường đất đai. Người nông dân hiện không có quyền với tài sản của họ, không thể tích tụ được ruộng đất. Không có thị trường đất đai đồng nghĩa với việc không thể có một nền nông nghiệp quy mô sản xuất lớn.

{keywords}
70% lực lượng lao động hiện đang làm trong lĩnh vực nông nghiệp

Doanh nghiệp - bệ đỡ cho nông nghiệp

Một điển hình về nhanh chân tái cấu trúc là tỉnh Đồng Tháp. Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho hay vì có quá nhiều điểm nghẽn trói buộc nên tỉnh buộc phải sớm tái cơ cấu nền nông nghiệp như một yêu cầu sống còn. Làm tới đâu gỡ tới đó, như dò đá qua sông.

Câu chuyện ông kể khiến người nghe phải suy ngẫm, đó là khi ông tham dự một hội nghị giữa ngành ngân hàng và các DN ở phía Nam. Đại diện Ngân hàng Nhà nước có phát biểu rằng cơ quan này sẽ ủng hộ hết mình cho các DN, nhưng chỉ với DNNN để hạn chế tối đa rủi ro. Sợ DN tư nhân tự ái, sau đó ông đã phải viết email trấn an các DN tư nhân. Bởi, ông quan niệm, chính DN tư nhân mới đang thực sự phát triển, dẫn dắt thị trường, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, giải được bài toán hợp tác với nông dân... Còn DNNN, cụ thể là các tổng công ty lương thực, chỉ biết thu mua mỗi khi đến mùa thu hoạch. Họ chưa từng sản xuất giống lúa chất lượng nào cho nông dân.

Chính cái cách chúng ta ứng xử với DNNN, như Vinafood 1, Vinafood 2, đã tạo ra sự lo lắng cho các DN tư nhân, khiến họ lúc nào cũng lo sợ rủi ro, chưa kể còn làm méo mó thị trường - ông Hoan nêu rõ.

Hiện mới có 3.000 DN đầu tư vào nông nghiệp - chiếm chưa đầy 1% trong tổng số hơn 400.000 DN trên cả nước. Vì thế, lần đầu tiên ngành nông nghiệp mạnh dạn xác định doanh nghiệp chính là bệ đỡ phát triển. "Nhà nước, DN cần dẫn dắt nông nghiệp phát triển và Nhà nước phải cam kết hỗ trợ nông nghiệp, coi DN là lực lượng trụ cột trong phát triển nông nghiệp nông thôn. Nếu làm tốt nông dân sẽ được thụ hưởng, làm không tốt sẽ biến họ thành nạn nhân", TS. Thiên góp ý.

Với nông dân, họ là những người có tinh thần đổi mới cực kỳ cao. Tuy nhiên, do năng lực, quy mô, tầm nhìn hạn chế, nên cũng cần Nhà nước nâng đỡ, biến họ thành nông dân chuyên nghiệp - ông nói. 

Ngọc Hà