Sự trong sạch, liêm chính của một Chính phủ, là điều người dân mong chờ từ rất lâu nay. Nhưng còn mong chờ hơn, ấy là lời nói gắn liền với quyết liệt hành động.
Như một quy luật thực tiễn, quốc gia nào cũng vậy, cơ chế quản lý nào thì có nền kinh tế đó tương thích. Nhìn ngược thời gian, nước Việt đã từng trải qua những dâu bể lịch sử. Cơ chế quản lý thời bao cấp, có nền kinh tế kế hoạch hóa- bao cấp song hành. Nhưng rồi những thăng trầm, biến động của nhân loại, nhất là ở những quốc gia “đầu đàn” đã khiến cho nước Việt thức tỉnh và quyết tâm “đổi mới hay là chết”?
Kinh tế thị trường nhưng tư duy… xin- cho?
Thực tế đó cho thấy không có một thể chế nào là duy nhất đúng, nếu không có sự điều chỉnh liên tục để thích ứng với đời sống nhân sinh. Bởi dù muốn dù không, nhân loại luôn vận động, đời sống XH luôn vận động. Những quốc gia văn minh luôn tiến về phía trước, và họ tồn tại phát triển bởi luôn biết điều chỉnh chính mình.
Từ cơ chế kinh tế bao cấp chuyển hẳn sang cơ chế quản lý thị trường định hướng XHCN, nước Việt từng có lúc được quan tâm như một hiện tượng, thậm chí là hy vọng “hóa rồng” của nhân loại.
Tuy nhiên, cho dù đạt không ít kết quả, có sự thay đổi cả trong diện mạo quốc gia lẫn diện mạo từng gia đình, nhất là ở các đô thị lớn, 30 năm đổi mới đã qua, nước Việt giờ đây đang đứng trước những thách thức của hội nhập hiện đại: Phát triển hay tụt hậu? Khi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình khá nhãn tiền?
Con rồng VN vẫn chỉ là biểu tượng khát vọng, từ trong giấc mơ cổ tích ngày xửa ngày xưa, của trẻ em, nay là người Việt trưởng thành? Vì sao?
Câu trả lời chỉ có thể tìm trong thực tiễn. Trong chính tư duy của người Việt.
Con rồng VN vẫn chỉ là biểu tượng khát vọng. |
Sự phát triển của mỗi quốc gia bao giờ cũng phải có lý luận làm nền tảng. Nhưng lý luận kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước Việt còn khá mỏng manh. Bởi chưa có mô hình thực tế của bất cứ quốc gia nào “thị phạm”. Rút cục người Việt mò mẫm vừa học vừa … mần.
Mặc dù, về bản chất, kinh tế thị trường là dựa trên quy luật cung- cầu của đời sống, dựa trên sự bình đẳng và cạnh tranh sòng phẳng của các thành phần kinh tế, nhưng mô hình kinh tế thị trường của nước Việt ngay từ đầu vẫn không thoát khỏi tinh thần… duy ý chí, khi chọn lựa doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo, thực chất vẫn không thoát khỏi cách tư duy “kế hoạch hóa, bao cấp” xơ cứng khốn khổ một thời. Đằng sau các DNNN vẫn là các Bộ chủ quản quản lý.
Điều này khác hẳn với các quốc gia tiên tiến, mà câu chuyện của ông Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch VCCI) tại hội thảo về động lực phát triển của kinh tế tư nhân tháng 10/2015, khi so sánh kinh tế của t/p New York (Mỹ) với 08 triệu dân, chủ yếu là kinh tế tư nhân- có tổng GDP trên 1000 tỷ USD và Cu Ba, quốc gia với 11 triệu dân, chủ yếu là kinh tế nhà nước, nhưng tổng GDP chỉ đạt trên 70 triệu USD, chính là sự so sánh về tư duy kinh tế phản chiếu sau sức mạnh kinh tế mỗi địa danh.
Tiếng là kinh tế thị trường, nhưng các DN tư nhân nước Việt vẫn phải chấp nhận một môi trường kinh doanh bất bình đẳng, sống “ngoắc ngoải’ với đủ thứ điều kiện kinh doanh, kiểu hành là chính.
Rút cục, tư duy xin- cho, thứ tư duy chứa đựng rất nhiều mầm mống tai hại và hệ lụy của nền kinh tế thời bao cấp vẫn tồn tại dai dẳng ngay trong khối các DNNN của thời kinh tế thị trường, vô tình và rất nhanh chóng, hình thành nên các lợi ích nhóm liên kết nhằng nhịt nhau. Cộng với sự quản lý của cơ quan chức năng vốn lỏng lẻo, cộng với cơ chế quản lý vĩ mô thiếu công khai, minh bạch…
Đã dẫn đến kết quả, trái ngược với các thành phần kinh tế khác như DN tư nhân, DN có vốn nước ngoài FDI, các DNNN được ưu đãi từ hạ tầng cơ sở, đầu tư tài chính, thuế khóa, dây chuyền công nghệ…, sự gặt hái của các DNNN so với sự đầu tư là càng nhiều càng ít.
Người viết bài không hề phủ nhận vẫn có những DNNN ăn nên làm ra, có thương hiệu, nhưng bạn đọc sẽ nghĩ gì, khi đọc thông tin so sánh phát xấu hổ này: Tuy tỷ trọng đầu tư của khu vực DNNN trên 40% tổng số vốn đầu tư, nhưng tỷ trọng của khu vực này trong GDP chỉ 32%, trong khi khu vực kinh tế ngoài Nhà nước có tỷ trọng vốn đầu tư chỉ khoảng 38% GDP, nhưng tỷ trọng giá trị gia tăng trong GDP của khu vực này chiếm đến 49% GDP (báo Đầu tư, ngày 03/9/2015).
Liệu những sự bất động, chết lâm sàng, đắp chiếu, trùm mền, thua lỗ triền miên của các DNNN có liên quan gì tới hiện trạng điều hành ngân sách như “đi trên dây”. Ảnh: vneconomy |
Sẽ nghĩ gì khi đọc một loạt thông tin về bảy nhà máy methanol với tổng giá trị đầu tư ước tính 10.000 tỉ đồng, Nhà máy Xơ - Sợi polyester Đình Vũ (PVText) 7.000 tỉ đồng, Nhà máy Gang thép TISCO gần 9.000 tỉ đồng đang “trùm mền”. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đầu tư gần 03 tỉ đô la Mỹ tạo ra khoản lỗ lũy kế khoảng 1,2 tỉ đô la Mỹ...(TBKTSG, ngày 17/5).
Nghĩ gì, khi đọc thông tin, hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đều có nhà máy ethanol lớn hàng đầu Đông Nam Á, đến nay, cả hai đều trong tình trạng 'chết lâm sàng' và đang gánh khối nợ lên đến cả ngàn tỷ (VietNamNet, ngày 17/5). Nghĩ gì trước đó, ngày 10/5, VietNamNet đưa tin, dù đã gần hoàn thành, nhưng hơn 04 năm nay, nhà máy nhiên liệu sinh học ethanol Phú Thọ vốn đầu tư 2.400 tỉ nằm bất động, mặc cho thời gian, sương gió đang tàn phá những thiết bị nghìn tỷ.
Nghĩ gì, khi đọc thông tin trong tiền điện của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) mà người dân phải gánh chịu, cõng cả tiền … đám cưới, đám tang? (GDVN, ngày 19/5)
Bất động, chết lâm sàng, đắp chiếu, trùm mền- là hiện trạng của các DNNN- vốn được coi là thành phần kinh tế chủ đạo.
Vì sao, ở các DNNN này quy mô và nghiệp kinh doanh càng to lãi càng… bé? Câu trả lời chắc chỉ các DNNN đó, các nhà kinh bang tế thế tài giỏi ở đó mới trả lời nổi.
Chính vì thế, Ts Võ Trí Hảo, đã thẳng thắn “Cứu DNNN là xén bớt của người nghèo” (VietNamNet, ngày 17/5), khi ông làm phép tính so sánh, đổ vào gần 10.000 tỉ đồng để cứu một dự án thép trùm mền, tức là đã lấy đi của học sinh nghèo ở Tây Bắc, Tây Nam 10.000 ngôi trường tiểu học. Âm vốn hơn 30%, khoản lỗ lũy kế 1,25 tỉ đô la Mỹ của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có thể làm giàu cho ai đó, nhưng phúc lợi của nhân dân miền Trung không có phần trong đó; cả tin, đã nghèo họ lại nghèo hơn.
Còn Ts Vũ Thành Tự Anh (Giám đốc Nghiên cứu CT Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP. HCM) thẳng thắn cảnh báo:
20 năm trở lại đây, chưa bao giờ bức tranh ngân sách xấu như bây giờ. Chi thường xuyên tăng nhanh bất thường, khiến cho toàn bộ ngân sách thu được hầu như chỉ vừa đủ cho chi thường xuyên. Điều này cũng có nghĩa là để đầu tư phát triển buộc phải đi vay, kết quả tất yếu là thâm hụt ngân sách triền miên, cả nợ chính phủ và nợ công đều đã vượt trần. Tình thế này càng trở nên nghiêm trọng khi ngân sách thâm hụt ở mức rất cao (trung bình 5,3%) trong một thời gian rất dài (từ năm 2000-2015), và khi mức nợ công (nếu tính đúng, tính đủ) đã vượt trần 65% từ lâu rồi. Nếu không chấm dứt tình trạng này, sự sụp đổ của nền tài khóa quốc gia là điều không thể tránh khỏi (TBKTSG, ngày ¼)
Liệu những sự bất động, chết lâm sàng, đắp chiếu, trùm mền, thua lỗ triền miên của các DNNN có liên quan gì tới hiện trạng điều hành ngân sách như “đi trên dây” (lời Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng) không?
Các DNNN có lỗi. Nhưng lỗi lớn hơn, chính là ở tư duy kinh tế và sự điều hành thời hội nhập, vẫn mang nặng tính chất tư duy kinh tế của một… “thời xa vắng”, nhất bên nặng nhất bên nhẹ, đi ngược quy luật kinh tế thị trường.
Sứ mệnh nặng nề và sự trong sạch, liêm chính
Có thể nói, vai trò của Chính phủ cũ đã kết thúc, và gánh nặng lẫn sứ mệnh phát triển quốc gia đã được chuyển giao cho CP mới, vào ngày 07/4 cách đây ít lâu, khi người đứng đầu CP mới tuyên thệ trước QH, cũng tức là trước quốc dân đồng bào cả nước.
Có lẽ ý thức rõ gánh nặng “di sản” và sự thách thức trên hành trình hội nhập, cùng quốc nạn tham nhũng đang làm tổn thương rất nặng niềm tin người dân, tại cuộc họp báo thường kỳ CP ngày 05/5 mới đây, CP mới khẳng định và cam kết 06 điểm lớn. Nhưng trong đó, đáng chú ý nhất là điểm đầu tiên, xây dựng một CP trong sạch, liêm chính, hiệu quả, nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, một CP làm gương cho XH về vấn đề nói đi đôi với làm (TBKTSG, ngày 05/5)
Đây cũng chính là phẩm chất một CP mà người dân VN trông đợi từ rất lâu.
Sứ mệnh nặng nề và sự trong sạch, liêm chính. Ảnh: Dân trí. |
Chỉ có gần 40 chữ, nhưng chắc chắn, đó là cả một “gánh nặng” ngàn cân, mà muốn tròn vai bổn phận, như cụ Tiên Điền xưa đã mượn điển tích để đúc kết: Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo, CP mới phải có hàng loạt các giải pháp khoa học, đáng tin cậy.
Dù vậy, các giải pháp khoa học, đáng tin cậy không phải quá khó, hay cầu kỳ, đòi hỏi các điều kiện cao xa mà một quốc gia đang phát triển phải mầy mò. Ngược lại, những giải pháp đó đã được rất nhiều quốc gia văn minh, tiên tiến áp dụng. Tựu trung có 03 giải pháp lớn.
Đó là 1) Một nền quản trị quốc gia công khai, minh bạch. 2) Luật pháp thượng tôn. 3) Đời sống sinh hoạt XH dân chủ
Có khó không với CP mới- về những giải pháp này?
Đó cũng là những tiêu chí lớn cho một quốc gia có khát vọng văn minh vươn tới, tuy hành trình này hẳn không thiếu cam go, nhất là XH hiện nay tồn tại khá phổ biến tệ nạn lợi ích nhóm.
Đó cũng là mục tiêu lớn và lâu dài cho một thể chế văn minh. Đòi hỏi sự vận động của tất cả các bộ, các ngành, các lĩnh vực, sự chủ động của các vị bộ trưởng đứng đầu các bộ, ngành cùng đóng góp, với bổn phận trách nhiệm- hãy đặt lợi ích quốc gia lên trên hết!
Nhưng mặt khác, sự hội nhập hiện đại, sự phát triển kinh tế- xương sống của quốc gia cũng đòi hỏi CP mới phải nhanh chóng vào cuộc, quyết liệt và quyết đoán, sửa chữa khiếm khuyết từ dư duy đến cung cách vận hành, quản lý.
Không thể nào tồn tại mãi cơ chế xin- cho nặng nề ở khối các DNNN, mảnh đất màu mỡ cho lợi ích nhóm cùng “giặc nội xâm” cộng sinh và hoành hành. Điều kiện gì, mô hình quản lý nào phù hợp, là điều các chuyên gia phải vào cuộc và chọn lựa.
Nhưng điều quyết định quan trọng không kém, là tạo môi trường kinh doanh sòng phẳng, và bình đẳng, để các DN nhỏ và vừa có khả năng nắm bắt cơ hội, chuyển động tích cực trở thành động lực của sự phát triển. Là hóa giải … 7000 điều kiện kinh doanh- thực chất là những loại “giấy phép cha, con, cháu”- những vòng kim cô khốn khổ và vô lý, chỉ nhằm để “kiếm ăn” ở các DN vốn phải chịu đựng nhiều phi lý. Mà các DN sợ nhất là những chi phí “gầm bàn”- một cụm từ đáng hổ thẹn, cho thấy… chiều cao nhân cách không ít “công bộc của dân”.
Đã qua rồi thời kỳ tăng trưởng với bất cứ điều kiện gì. Vụ việc cá chết ở Vũng Áng là bài học trả giá đau đớn. Nước Việt cần biết nói không với những dự án “lợi bất cập hại”, biến nước Việt thành nơi chứa xả đủ thứ rác rưởi công nghệ. Vì thế người dân mong chờ CP mới kiểm soát chặt chẽ các dự án loại này, mong chờ CP giám sát và kiểm tra các dự án ODA, một loại dự án vô tình tạo cho tâm lý các tỉnh là thứ “tiền chùa quốc tế” thả sức tiêu xài.
Khi mà từ tháng 07 năm 2017 này, VN sẽ không còn được vay ODA theo điều kiện nguồn vốn hỗ trợ phát triển, và sẽ chuyển sang sử dụng nguồn vay ưu đãi, theo điều kiện thị trường, thực hiện điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất từ 2-3,5%. Các dự án ODA đã vay sẽ phải rút thời hạn trả nợ 35-40 năm còn 15-20 năm, đồng thời tăng lãi suất lên 2-3,5% thay vì trước đây là dưới 1%. (TTCT, ngày 02/4)
Đó là tiến hành quyết liệt và hiệu quả cải cách hành chính, làm tinh gọn bộ máy hành chính, công sở rất cồng kềnh- di lụy nhiều năm tích cóp của sự “tách nhập- nhập tách” từ vĩ mô đến vi mô, của những hiện trạng tiêu cực “người tìm ghế”, không phải “ghế tìm người”, của tệ nạn con ông cháu cha, một người làm quan cả họ được nhờ. Bởi sự phát triển của nền kinh tế, chắc chắn không thể xuôi chèo mát mái, nếu như không có CCHC song hành. Bởi cho dù, có thay đổi tư duy xin- cho ở các DNNN, nhưng nếu không gắn với CCHC, thì rút cục, vẫn tồn tại các dạng, các hình thái lợi ích nhóm- làm …biến thái lợi ích chung của XH.
Sự trong sạch, liêm chính của một Chính phủ, là điều người dân mong chờ từ rất lâu nay. Nhưng còn mong chờ hơn, ấy là lời nói gắn liền với quyết liệt hành động?
Liệu đó có phải là đòi hỏi quá cao?
Kỳ Duyên
Bánh chưng khủng, tham nhũng khủng và trí nhớ tồi...
Thanh danh quốc gia và những phát ngôn ấn tượng
Vô cảm, resort và sự vô phép
Phát ngôn ấn tượng của Chủ tịch Quốc hội và chuyện tháp "khủng"!
Bằng cấp cao, "63 sứ quân" và những đồng tiền hư