Nằm ở phía Bắc tỉnh Kon Tum, Tu Mơ Rông là huyện miền núi và vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với trên 95% là người dân tộc Xơ Đăng.  

Đây là vùng đất có bản sắc văn hóa đa dạng và phong phú, nổi bật là nghệ thuật tạo hình dân gian, với lối kiến trúc nhà rông tiêu biểu; các loại nhạc cụ truyền thống như: cồng chiêng, đàn t’rưng, đàn ting ning, đàn klông pút…; các làn điệu dân ca, dân vũ; các nghề truyền thống đan lát, dệt thổ cẩm…; các lễ hội đặc sắc như: Bắc máng nước, Mừng lúa mới, Lễ vào Nhà rông...

Toàn huyện hiện có 86/86 thôn có nhà rông (trong đó, 47 nhà rông có sàn gỗ, vách bằng gỗ, mái lợp tôn, trụ bê tông; 39 nhà rông truyền thống được làm bằng nguyên liệu tự nhiên). Có thể nói, với cộng đồng các DTTS ở Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng, nhà rông là “trái tim” của làng, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa truyền thống.

Huyện có hơn 200 bộ cồng chiêng, chủ yếu là cồng chiêng của cá nhân hộ gia đình. Các loại hình văn hóa vật thể như trang phục, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình, dụng cụ lao động sản xuất truyền thống, nhạc cụ; những loại tài sản mang tính phi sản xuất như: chiêng, ché, nồi đồng,... 

du lich tumorong.png
Tu Mơ Rông có nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể là lợi thế trong phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh minh họa

Mở rộng du lịch với bảo tồn văn hóa 

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định: “Khai thác tối đa tiềm năng lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa, di tích lịch sử, di sản vật thể và phi vật thể để quảng bá và cung cấp các sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách đến với huyện”.

Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông, huyện luôn ưu tiên bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp gắn với phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao giá trị kinh tế, xã hội của địa phương.

Ông Mạnh cho biết thêm trong những năm qua, huyện đã tổ chức phục dựng lại các lễ hội, nghề thủ công, nhạc cụ truyền thống tiêu biểu của dân tộc thiểu số Xơ Đăng như nghề dệt thổ cẩm truyền thống, mở lớp truyền dạy kỹ thuật chế tác và kỹ năng diễn tấu nhạc cụ truyền thống,  phục dựng Lễ hội mừng lúa mới, Lễ làm cổng làng, mở lớp truyền dạy cồng chiêng, xoang cho thế hệ trẻ trong cộng đồng dân tộc. 

Từ đó góp phần nâng cao ý thức tự bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cộng đồng, khơi dậy tinh thần sáng tạo của người dân, giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc và góp phần phát triển du lịch trên địa bàn huyện. 

Các lễ hội dân gian đảm bảo đúng quy định của pháp luật, giữ bản sắc văn hóa truyền thống, phát huy giá tích cực và hạn chế, đẩy lùi những mặt tiêu cực, mê tín dị đoan, lạc hậu.

Thời gian tới, huyện Tu Mơ Rông tiếp tục đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá đặc sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện để du khách trong và ngoài tỉnh biết, đến tham quan, du lịch.

Cùng với đó, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho đồng bào thêm tự hào và trân trọng những giá trị tinh thần, phong tục, tập quán tốt đẹp, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, gắn liền với bài trừ hủ tục lạc hậu, văn hóa ngoại lai, xấu độc xâm nhập… Tuyên truyền về bảo tồn văn hóa truyền thống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng và phù hợp với từng đối tượng, kết hợp với tổ chức các hoạt động lễ hội, giao lưu văn hóa giữa đồng bào dân tộc thiểu số.