Ông T.V.H (50 tuổi, trú tại Giao Thủy, Nam Định) đã qua đời ngày 23/1. Người nhà cho biết, ba ngày trước, ông H. mổ lợn, chế biến món tiết canh liên hoan tất niên cùng bạn bè. Hôm sau, ông H. thấy đau mỏi người, đi ngoài phân lỏng, sốt cao rét run, người khó chịu, chân tay tím tái.
Gia đình đưa ông H. đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện Giao Thủy, sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. Các bác sĩ chẩn đoán ông H. sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn (Streptococcus suis). Bệnh nhân được chỉ định dùng kháng sinh, vận mạch, đặt ống nội khí quản thở máy và nhanh chóng chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội).
Tại Khoa Hồi sức tích cực, các bác sĩ tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng thở oxy, đồng tử giãn, không đo được huyết áp, toàn thân nổi vân tím, ban xuất huyết hoại tử vùng mặt, tay và chân. Ông H. được cấp cứu ngừng tuần hoàn, tim đập trở lại nhưng tình trạng không cải thiện. Ông H. qua đời tại bệnh viện.
Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Phương, Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viên Bệnh Nhiệt đới Trung ương, ông H. tử vong vì sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn có suy đa tạng - toan chuyển hóa - rối loạn đông máu nặng.
Bác sĩ Phương nhấn mạnh liên cầu lợn là vi khuẩn cư trú tự nhiên ở đường hô hấp trên, đặc biệt là amidan, khoang mũi; đường sinh dục và tiêu hóa của lợn khỏe mạnh hoặc bị bệnh. Liên cầu lợn có 35 type huyết thanh, trong đó type 2 có độc lực cao nhất và thường gây bệnh ở người.
Người có nguy cơ cao nhiễm liên cầu lợn nếu ăn thịt lợn sống hoặc chưa nấu chín, bao gồm cả máu, nội tạng lợn, thường gặp ở châu Á, đặc biệt là Việt Nam, Thái Lan.
Với các đối tượng như người chăn nuôi lợn, bác sĩ thú y, công nhân chế biến và vận chuyển thịt, người bán thịt và đầu bếp, liên cầu lợn có thể truyền trực tiếp vào máu sau khi tiếp xúc với lợn hoặc thịt lợn mang mầm bệnh nếu có có vết thương ở da.
Người bị nhiễm liên cầu lợn có thể biểu hiện dưới nhiều thể lâm sàng khác nhau như: viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết, hội chứng sốc nhiễm độc liên cầu khuẩn với suy đa cơ quan, viêm nội tâm mạc và viêm khớp. Tỷ lệ tử vong do nhiễm liên cầu lợn rất cao.
Người bị mắc liên cầu lợn có thể mất thính lực vĩnh viễn (điếc) và rối loạn tiền đình. Hiện tại, chưa có vắc xin phòng bệnh liên cầu lợn ở người. Vì vậy, việc phòng bệnh chủ yếu là đảm bảo an toàn trong chăn nuôi, vệ sinh thực phẩm; ăn thịt lợn được chế biến chín; không ăn tiết canh, thịt lợn ốm, chết...