Cứ vào cửa hàng thực phẩm sạch là yên tâm thực phẩm đảm bảo sạch, an toàn cho sức khỏe?
Mới đây, thông tin phát hiện vụ cá kho có giòi tại cửa hàng thực phẩm sạch Cleverfood, chi nhánh Ngụy Như Kon Tum (Thanh Xuân, Hà Nội) khiến nhiều người không khỏi kinh hãi. Đa số đều thể hiện thái độ kinh ngạc với những câu hỏi như "cửa hàng thực phẩm sạch mà lại bán đồ ăn có giòi", "vì sao là cửa hàng thực phẩm sạch lớn như vậy lại có thể có vụ mất vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm trọng đến thế"...
Hầu hết mọi người nhận định, cá kho có giòi là thực phẩm bẩn, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng chuyện khiến người ta cảm thấy vô cùng bất an chính là một cửa hàng có biển hiệu "thực phẩm sạch" mà lại làm ăn như vậy.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), câu chuyện thực phẩm sạch ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều điều chưa được làm rõ, rất nhiều nơi vẫn còn tình trạng "ngoài sạch trong bẩn". Riêng vụ thực phẩm có giòi, chính xác thì giòi là ấu trùng của ruồi. Ruồi bâu, đậu thức ăn, ăn thức ăn và đẻ trứng, nở ra thành giòi.
Bản thân con giòi không gây hại sức khỏe. Nhưng thực phẩm có giòi thì không còn là thực phẩm an toàn bởi nó có dấu hiệu ruồi đã đậu vào. Mà đường đi của ruồi thì vô vàn, từ phân đến vết loét trên da, vùng rác rưởi ô nhiễm... khi đậu bám ở những nơi này, chân ruồi chắc chắn không còn sạch sẽ. Khi chân ruồi, miệng ruồi cắm vào thức ăn thì các vi khuẩn, ấu trùng cũng sẽ chuyển sang thức ăn. Do vậy, thức ăn có ruồi bâu thực sự rất bẩn.
Phát hiện thực phẩm bẩn khiến người dân bức xúc. Nhưng phát hiện thực phẩm bẩn ngay trong chính cửa hàng "thực phẩm sạch" to lớn với hàng trăm chi nhánh khắp mọi miền Tổ quốc thì quả thật đáng sợ.
Người dân có lẽ vẫn luôn nhìn vào cái mác "thực phẩm sạch", vẫn nghe vào quảng cáo mà lao đầu vào mua chứ không hề xem xét những tiêu chí công nhận một thực phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe là như thế nào. Nhiều người cảm thấy những cửa hàng treo mác thực phẩm sạch như đang đánh lừa người tiêu dùng sau vụ việc trên.
Vậy, thực chất cụm từ "thực phẩm sạch" nên hiểu thế nào mới đúng?
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, rất nhiều người dân đang hiểu chưa đúng về cụm từ thực phẩm sạch. Thực chất, thực phẩm sạch ở đây có thể là thực phẩm mua bán từ ngoài đường ngoài chợ nhưng qua được bước kiểm soát, đảm bảo không có thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật... Những cửa hàng đề biển thực phẩm sạch là những cơ sở kinh doanh đảm bảo điều này hơn so với việc chúng ta đi ra chợ, mua rau mua thịt từ những tiểu thương nhỏ lẻ không tên tuổi.
Nhưng cũng cần nói thêm, nhiều cửa hàng thực phẩm sạch muốn được công nhận là bán thực phẩm sạch thì phải gửi mẫu lên cơ quan quản lý, đi qua nhiều bước mới được chứng nhận sạch hay không. Cũng không phải tất cả những thực phẩm được bày bán trong cửa hàng có tên thực phẩm sạch thì đều được coi là sạch như trong suy nghĩ của người dân.
"Hầu hết các cơ sở có một đến một vài thực phẩm sạch như chúng ta vẫn nghĩ, còn lại họ bán thêm những thực phẩm khác. Đó là chuyện rất phổ biến", chuyên gia nhận định.
Đâu là tiêu chuẩn cho thực phẩm sạch? Chuyên gia nhận định, đây là những thực phẩm được Bộ Y tế, Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm... đưa ra các tiêu chí khá rõ ràng, cụ thể.
3 tiêu chí đánh giá thực phẩm có phải là thực phẩm sạch hay không:
- Thực phẩm không chứa chất bẩn, chất độc hại.
- Nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
- Đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng.
Cụ thể, những tiêu chí nhận biết thực phẩm sạch được Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm giải thích rõ như sau:
1. Thực phẩm không chứa chất bẩn, chất độc hại
Thực phẩm sạch là thực phẩm không chứa chất độc hại, chất bẩn, gây ảnh hưởng trực tiếp và kéo theo những hậu quả khôn lường, đe dọa đến sức khỏe của người dùng. Và những chất gây hại này đã được công bố, kiểm nghiệm kỹ càng từ phía các cơ quan chức năng.
Bằng mắt thường thì khi chúng ta nhìn thấy xuất hiện những bụi bẩn hoặc vệt màu khác lạ ở một sản phẩm nào đó thì cũng không nên dùng, vì nguyên nhân có thể là do thực phẩm đó có khâu bảo quản không tốt, hoặc người sản xuất sử dụng các loại thuốc kích thích tăng trưởng, chất độc hóa học trên thực phẩm.
2. Nguồn gốc xuất xứ rõ ràng
Yếu tố nguồn hàng nhằm khẳng định những giá trị ban đầu của sản phẩm từ phía nhà sản xuất, cung cấp đến người mua hàng. Khi khách hàng chưa tiếp xúc với thực phẩm lần nào thì có thể thông qua những thông tin về nguồn gốc để hiểu hơn và hình thành sự tin cậy ở đơn vị đó.
Nguồn gốc xuất xứ cần thiết đối với bất kỳ một sản phẩm nào chứ không riêng gì thực phẩm sạch. Và đây là yếu tố tiên quyết để đánh giá một sản phẩm. Cũng dựa vào điều này mà làm nên thương hiệu cho các nhà sản xuất, giúp người tiêu dùng luôn nhớ đến và dùng thực phẩm này.
3. Đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng
Bên cạnh nguồn gốc thì việc đáp ứng một trong ba tiêu chuẩn được đặt ra sau đây là điều cần thiết, điều kiện cần và đủ:
- Tiêu chuẩn VietGAP: Thực phẩm sạch cần đảm bảo về kỹ thuật sản xuất khoa học, đúng chuẩn; thực phẩm không chứa các chất hóa học, chất độc hại; môi trường sản xuất ra những loại thực phẩm không được lạm dụng sức lao động của người dân; nguồn gốc sản phẩm rõ ràng, việc tìm kiếm nguồn gốc này phải thuận lợi.
- Tiêu chuẩn GlobalGap: Công nhận những loại thực phẩm sạch khi đáp ứng được một số tiêu chí như: Môi trường nuôi, trồng sạch sẽ; không sử dụng hóa chất độc hại đối với các loại thực phẩm; bao bì sản phẩm rõ ràng; điều kiện làm việc của người lao động tốt; quá trình kiểm tra, giám sát của những người sản xuất thực hiện đúng quy trình, quy củ, nghiêm túc.
- Tiêu chuẩn hữu cơ: Vạch ra rất cụ thể 4 chữ không với một loại thực phẩm để được công nhận, đó là: không hóa chất; không chất kích thích; không sử dụng các chất biến đổi gen; không dùng phân bón hóa học.
Theo Pháp luật & Bạn đọc/ Gia đình & Xã hội