Tuần khó khăn lịch sử
Giá dầu thô trên thị trường thế giới vừa ghi nhận 3 phiên tăng mạnh liên tiếp cuối tuần. Mức tăng là rất lớn, nhưng chưa đủ để bù đắp những cú sụt giảm trước đó. Tính chung trong cả tuần, giá dầu ngọt nhẹ WTI vẫn giảm hơn 32% trong bối cảnh sức cầu dầu tụt giảm vì dịch Covid-19, nguồn cung vẫn lớn và không gian lưu trữ dầu đã gần như cạn kiệt ở các nước.
Hồi đầu tuần, lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu WTI rơi xuống dưới ngưỡng 0 USD/thùng, tức người bán phải trả tiền cho người mua để mang dầu đi. Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 20/4, giá dầu WTI giao tháng 5 đã xuống dưới ngưỡng âm 37 USD/thùng, thấp nhất có lúc -40 USD/thùng. Giá dầu thô nằm ở mức âm trong hai phiên liên tiếp trước khi tăng trở lại theo hợp đồng kỳ hạn giao tháng 6.
Giá dầu WTI chốt phiên cuối tuần ở mức 16,94 USD, còn dầu Brent ở mức 21,44 USD/thùng.
Mặc dù mức hồi phục rất ấn tượng, giảm nhanh thì tăng mạnh trở lại. Tuy nhiên, đây vẫn là mức rất thấp và nó khiến hàng loạt giàn khoan dầu của Mỹ phải đóng cửa, người lao động đồng loạt mất việc.
Trong tuần qua, giá dầu WTI có lúc xuống -40 USD/thùng. |
Theo hãng Rystad Energy, ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ đang kinh doanh dưới giá vốn và sẽ chứng kiến hơn 500 công ty sản xuất, khai thác dầu mỏ phá sản trong vòng hơn 18 tháng tới nếu giá dầu ở mức 20 USD. Con số này sẽ tăng hơn gấp đôi nếu dầu duy trì ở mức 10 USD/thùng.
Không chỉ ngành dầu khí, nền kinh tế Mỹ dưới thời ông Donald Trump cũng chuyển biến 180%, từ nhưng gam màu hồng sáng sang u ám, đen tối hiếm có; từ một thị trường lao động tươi sáng với tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 50 năm qua sang một thị trường lao động tồi tệ, với tỷ lệ thất nghiệp cao chưa từng thấy.
Chỉ trong vòng 5 tuần khi dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 bùng nổ tại Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới chứng kiến thêm 26 triệu người thất nghiệp, tương đương 1/6 số người lao động tại Mỹ. Một số dự báo cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ có thể lên đến 20% ngay trong tháng 4.
Số ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 tại Mỹ vẫn tăng không ngừng và đã vượt ngưỡng 50 ngàn người trong tổng cộng gần 1 triệu người bị nhiễm.
Thị trường chứng khoán (TTCK) được xem là hàn thử biểu của nền kinh tế Mỹ và là niềm tự hào của ông Donald Trump trong 3 năm đầu nhiệm kỳ. Tuy nhiên, sự sụt giảm của thị trường này vào đầu 2020 cũng đã khiến ông Trump mất rất nhiều lợi thế.
Trong hơn một tháng qua, chứng khoán Mỹ đã có những cú hồi phục mạnh mẽ. Chỉ số công nghiệp Dow Jones hồi phục từ mức 19,2 ngàn điểm (ngang với thời điểm trước khi ông Trump lên làm tổng thống cách đây 3 năm) lên trở lại gần ngưỡng 24 ngàn điểm, nhưng vẫn còn thấp khá nhiều so với mức cao lịch sử: 29,4 ngàn điểm ghi nhận hồi giữa tháng 2/2020. Hơn thế, sự hồi phục của TTCK gần đây phần lớn do nỗ lực bơm tiền giá rẻ hàng ngàn tỷ USD của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), mà hậu quả đối với kinh tế về sau chưa thể xác định được.
Trong tuần vừa qua, chỉ số Dow Jones đã có tuần sụt giảm trở lại lần đầu tiên sau 3 tuần.
Ra sức bơm tiền, chứng khoán Mỹ vẫn chịu áp lực lớn từ kết quả kinh doanh kém của các doanh nghiệp. |
Donald Trump gặp khó hơn bao giờ hết
Kể từ khi bước vào Nhà Trắng, ông Donald Trump đã gặt hái được vô số các thành tựu, hoàn thành được rất nhiều cam kết với cử tri, áp đảo nhiều tổng thống Mỹ trước đó. Với chính sách tăng cường bảo hộ sản xuất trong nước và lập lại sự công bằng trong thương mại với các đối tác lớn như Trung Quốc, Nhật, bắc Mỹ, châu Âu,... Nền kinh tế Mỹ bước vào một giai đoạn tươi sáng. Số lượng doanh nghiệp tại Mỹ tăng nhanh, tỷ lệ thấp nghiệp giảm xuống mức thấp 50 năm, chứng khoán ghi nhận hàng chục lần lập kỷ lục cao mọi thời đại mới.
Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc cũng đã ngã ngũ với sự áp đảo nghiêng về phía Washington vào cuối 2019.
Tuy nhiên, tình thế đã đảo chiều nhanh chóng chỉ trong vài tháng đầu năm 2020 và tuần vừa qua là đen tối nhất. Việc giá dầu xuống thấp chưa từng có trong lịch sử (dưới 0 USD/thùng) ngay lập tức đẩy ngành dầu mỏ, nhất là dầu khí đá phiến Mỹ, vốn “ở kỷ nguyên vàng thống trị thế giới” đối mặt với nguy cơ sụp đổ. Các doanh nghiệp dầu khí Mỹ có thể phá sản hàng loạt do vay nợ lớn.
Cả nền kinh tế Mỹ ngưng trệ, giảm mạnh đột ngột ở tất cả các khu vực... vì nỗ lực ngăn chặn đại dịch. Hàng loạt tập đoàn tài chính Mỹ như Goldman Sách, Citigroup, Bank of America... công bố lợi nhuận quý 1 giảm khoảng 50%.
Thị trường lao động tồi tệ hơn giai đoạn Đại suy thoái hồi những năm 1930. Tỷ lệ thất nghiệp được dự báo sẽ lên tới 20% trong 1-2 tháng tới, trước khi xuống 10% vào cuối 2020 và duy trì ở mức trên 6% (tương đương khoảng 4 triệu người Mỹ) tới hết năm 2021.
Ông Trump nỗ lực mở lại nền kinh tế. |
Với mức chi tiêu và nguồn thu như hiện nay, ngân sách Mỹ có thể thâm hụt gần 4 ngàn tỷ USD vì Covid-19, tăng gấp gần 4 lần so với dự báo trước đó. GDP cũng được dự báo sẽ giảm gần 40% trong quý 2/2020 so với cùng kỳ năm trước.
Tất cả thông tin xấu vẫn đang dồn dập đến và tạo ra một sự bất lợi lớn cho ông Trump khi mà cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11 ngày càng đến gần. Tỷ lệ thất nghiệp được dự báo sẽ còn kéo dài và ảnh hưởng không nhỏ tới quyết định của cử tri.
Ngoài ra, ông Trump còn đối mặt với nguy cơ giảm phiếu bầu khi nhiều cử tri già tử vong vì Covid-19. Tình trạng tử vong hàng loạt có thể đảo lộn bức tranh chính trị ở các bang chiến địa và gây ra rủi ro mới với ông chủ Nhà Trắng hiện tại.
Trước đó, hồi đầu tháng 2, tổng thống Trump dự đoán dịch virus corona chấm dứt vào tháng 4 khi thời tiết ấm lên. Tuy nhiên, diễn biến gần đây cho thấy dịch bệnh này còn kéo dài và các nền kinh tế, trong đó có Mỹ, sẽ còn thiệt hại nặng nề. Trong tuần qua, thuốc điều trị coronavirus của hãng Gilead cũng không có kết quả như mong muốn, còn việc điều chế vaccines vẫn ở phía trước. Tất cả khiến tình hình trở nên xấu hơn.
Áp lực đối với ông Donald Trump ngày càng lớn, trong khi đó Trung Quốc vẫn không ngừng gia tăng ảnh hưởng khi Mỹ và châu Âu gặp khó.
M. Hà