- Dòng vốn ngoại hàng tỷ USD có thể được kích hoạt sớm trong năm nay khi những sửa đổi cho phép nhà đầu tư ngoại được sở hữu nhiều hơn đối với các DN đại chúng.
Dỡ trần 49%
Ông Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, Dự thảo sửa đổi Nghị định 58 đang ở bước cuối cùng thẩm định trước khi trình Chính phủ.
Theo ông Long, Nghị định 58 cách đây 2 năm trở và lần sửa đổi này sẽ có nhiều đột phá, mang tính cải cách lớn. Trong đó, nội dung mà các nhà đầu tư rất quan tâm là: mở rộng sự tham gia của các NĐT nước ngoài; thắt chặt các quy định huy động vốn của công ty đại chúng; thúc đẩy và minh bạch hóa hoạt động cổ phần hóa DNNN…
Công ty chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, một thay đổi quan trọng trong Dự thảo mới là: khối NĐT nước ngoài “được sở hữu không hạn chế” cổ phiếu của công ty đại chúng, trừ các DN hoạt động theo pháp luật chuyên ngành, DNNN cổ phần hóa và nếu Điều lệ công ty có quy định khác.
Dự thảo mới đã dỡ bỏ hoàn toàn tỷ lệ trần sở hữu 49% của NĐT đối với nhóm các công ty đại chúng theo đúng cam kết của Việt Nam trong hội nhập.
Quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các CTCK và công ty quản lý quỹ cũng có những thay đổi căn bản. NĐT nước ngoài đủ điều kiện được mua để sở hữu đến 100% vốn điều lệ của CTCK, không bị giới hạn ở mức tối đa 49% như trước đây.
Quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các CTCK và công ty quản lý quỹ cũng có những thay đổi căn bản. |
Trong khi đó, đối với hoạt động huy động vốn của các công ty đại chúng, dự thảo sẽ đưa ra những quy định chặt chẽ hơn để giúp NĐT kiểm soát được hoạt động huy động vốn của các công ty đại chúng, như: phát hành cổ phiếu riêng lẻ, hoán đổi các khoản nợ, hoán đổi lấy cổ phần hay phần vốn góp của doanh nghiệp khác…
Đối với CPH, dự thảo quy định, DNNN, CPH phải gắn với niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết – Upcom... Bên cạnh đó, Dự thảo cũng hướng tới việc mở thêm sản phẩm mới như chứng quyền có bảo đảm, giúp thị trường có thêm một công cụ để ngăn ngừa rủi ro. Ngoài ra còn cho phép hình thành quỹ đầu tư BĐS, hình thành từ vốn góp từ BĐS.
Kích hoạt thị trường
Theo đánh giá của BSC, những điểm mới của Dự thảo đã đáp ứng được khá tốt kỳ vọng của NĐT trong và ngoài nước. Đặc biệt, việc mở room cho khối ngoại được kỳ vọng là cú hích quan trọng cho TTCK trong năm 2015.
Khi tỷ lệ trần sở hữu nước ngoài 49% được dỡ bỏ, dự báo sẽ có động thái mua thêm của NĐT nước ngoài đối với nhóm cổ phiếu đã hết room này.
Theo thống kê của BSC, hiện có 34 cổ phiếu đã hết room cho NĐT nước ngoài (29 trên HOSE và 5 trên HNX), tập trung vào những DN lớn, đầu ngành và luôn nhận được sự quan tâm của NĐT nước ngoài như: Dược Hậu Giang (DHG), Domesco (DMC), Thiết bị y tế Việt Nhât (JVC), hàng tiêu dùng (VNM, EVE, KMR, PNJ, TCM, BBC, MWG) và một số cổ phiếu khác FPT, REE, CTD, BMP, VNS, GMD…
Dòng vốn ngoại hàng tỷ USD có thể được kích hoạt sớm trong năm nay khi những sửa đổi cho phép nhà đầu tư ngoại được sở hữu nhiều hơn đối với các DN đại chúng. |
Riêng đối với các CTCK, hiện có 15 CTCK đang niêm yết với giá trị vốn hóa 30 nghìn tỷ đồng, trong đó có 2 CTCK lớn nhất trong tình trạng gần hết room là HSC và SSI.
Đối với nhóm cổ phiếu vẫn còn room, mặc dù hiện tại nhu cầu của NĐT nước ngoài không lớn với nhóm các công ty này, nhưng khi giới hạn trần sở hữu nước ngoài được dỡ bỏ sẽ mở đường cho các thương vụ M&A. Đồng thời, động thái mua thêm của NĐT nước ngoài đối với cổ phiếu đã hết room sẽ đẩy mặt bằng giá giao dịch lên, thu hút sự quan tâm của NĐT nước ngoài đối với nhóm cổ phiếu còn room…
BSC cho rằng, với những thay đổi tích cực trong việc nới room cho NĐT nước ngoài, Dự thảo sửa đổi Nghị định 58 khi được ban hành sẽ khơi thông được dòng vốn ngoại đổ mạnh vào TTCK, từ đó góp phần thúc đẩy cổ phần hóa, tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy CPH gắn với niêm yết sẽ khiến quy mô TTCK tăng, thanh khoản cũng sẽ giúp TTCK Việt Nam tiến dần đến mục tiêu nâng cấp TTCk lên mức thị trường mới nổi.
Ông Long cho rằng, việc sửa đổi các văn bản quan trọng như Nghị định 58 sửa đổi sẽ giúp thể hiện tốt hơn bức tranh kinh tế vĩ mô, đưa ra tín hiệu tốt hơn cho dòng vốn. Và nếu nền kinh tế tiếp tục đà khởi sắc như trong quý I thì không có lý do gì TTCK không tươi sáng trong năm 2015.
Bên cạnh những thay đổi nói trên, về cơ bản TTCK đang hưởng lợi từ những yếu tố vĩ mô tích cực của nền kinh tế.. Trong quý đầu năm 2015, lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Bên cạnh đó, giá dầu thế giới giảm mạnh từ cuối 2014 đầu 2015 ở mức trên 50% kéo nhiều loại hàng hóa, nguyên phụ liệu trên thế giới giảm, chi phí sản xuất giảm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cải thiện kết quả kinh doanh. Quá trình này cũng sẽ làm hồi sinh nhiều ngành phục hồi chậm hơn so với diễn biến thị trường như vận tải.
Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại quan trọng như TPP, liên minh thuế quan, song phương Việt Nam-EU có nhiều khả năng sớm kết thúc trong năm 2015 tiếp tục mở ra cơ hội xuất khẩu cho nhiều ngành kinh tế trong nước, đồng thời cũng sẽ có ảnh hưởng tích cực đến tâm lý NĐT và sẽ là tin hỗ trợ tích cực cho TTCK.
Theo BSC, giai đoạn nửa cuối 2015, thử thách đối với TTCK sẽ lớn dần do sức ép từ nguồn tiền cho thị trường không lớn như mọi năm. TTCK sẽ phân hóa rất mạnh, và điều này khiến việc lựa chọn cổ phiếu theo nhóm ngành, quy mô trở nên quan trọng hơn là đầu tư theo chỉ số chung. Tuy nhiên, nếu chính sách theo hướng hỗ trợ TTCK thì VN-Index vẫn duy trì đã tăng trưởng và có khả năng đóng cửa năm 2015 ở mức 650 điểm.
Lê Hà