Trong những tập phim Thương ngày nắng về phát sóng gần đây, nhiều khán giả truyền hình tiếp tục bày tỏ sự bất mãn khi nhân vật Khánh sau ly hôn với chồng vẫn tiếp tục rơi vào hàng loạt biến cố khác. Cụ thể, sếp Huấn vào buổi tối lại liên lạc với Khánh thông báo có việc gấp liên quan đến công việc của công ty và yêu cầu có mặt. Khi đến nơi, Khánh ngỡ ngàng khi nhận ra sếp đang yêu cầu cô tiếp khách đề ký được hợp đồng kiếm thêm thu nhập. Huấn còn cho rằng đó là ưu ái đặc biệt đối với mẹ đơn thân có tai tiếng như Khánh. Khi Khánh từ chối, tỏ thái độ gay gắt, tên Huấn tức giận miệt thị cô là “rau già”, còn mắng chửi Khánh là “loại chồng bỏ lại tỏ ra cao sang”.
Do đã có nhiều kinh nghiệm từ những lần bị cài bẫy trước đây nên Khánh đã cẩn trọng ghi âm lại cuộc trò chuyện. Chính vì thế, khi Huấn thách thức Khánh ra khỏi nơi tiếp khách, cô lôi chiếc điện thoại đang bật ghi âm ra và khẳng định nếu Huấn dám đe dọa cô một lần nữa cô sẽ gửi đoạn ghi âm này đến tổng giám đốc và vợ của hắn. Do bực tức trước hành động của Khánh, Huấn ra tay xô xát với cô đế lấy lại đoạn ghi âm.
Tình tiết này khiến nhiều khán giả những tưởng bi kịch của cuộc đời Khánh đã chấm dứt sau khi ly hôn, có phần không hài lòng vì mạch phim lại tiếp tục trở nên tiêu cực, gây ức chế cho người xem. Đi ngược lại với số đông, cá nhân tôi lại đặc biệt chú tâm theo dõi những diễn tiếp tiếp theo của bộ phim. Chẳng phải tôi có sở thích dị biệt hay suy nghĩ tiêu cực gì, chỉ đơn giản vì tôi nhận ra đôi khi phim ảnh cũng như đời sống, nếu không dám trải qua nỗi đau và bi kịch tận cùng, chắc gì đã thấu hiểu được giá trị của bình yên và hạnh phúc. Là một người phụ nữ đã từng ly hôn, trải qua rất nhiều chông chênh và định kiến của cuộc đời, tôi rất đồng cảm với số phận của nhân vật Khánh.
Tôi cho rằng Khánh chưa bao giờ là một người phụ nữ hoàn hảo. Cô ấy đầy thiếu sót, đầy mâu thuẫn và luôn loay hoay trong cách sắp xếp và cân bằng cuộc đời mình. Từ nhân vật Khánh, người ta thấy được biết bao chân dung của những người phụ nữ xung quanh mình, khi mải mê vật lộn với đời sống ít có thời gian bình tâm để chăm chút và học cách yêu thương và thấu hiểu bản thân.
Nhưng có một điều Khánh nói riêng và bất kỳ người mẹ nào nói chung vẫn sở hữu rất trọn vẹn và đẹp đẽ là tình yêu thương dành cho các con, là mong ước cho chúng một sự đủ đầy trọn vẹn nhất. Đó là lý do mỗi khi xem những đoạn phim về nhân vật Khánh chăm sóc yêu thương các con trước và sau khi ly hôn, tôi rất xúc động và chợt nghĩ đến một câu nói rất ý nghĩa: “Dù mẹ không hoàn hảo nhưng mẹ luôn yêu con theo cách hoàn hảo nhất”.
Xét ở một khía cạnh khác, Thương ngày nắng về không phải là một bộ phim ngập tràn drama hoặc cách tình tiết khiên cưỡng như nhiều khán giả đã nhận xét. Ngược lại, thông qua hàng loạt tình tiết được đan cài về bi kịch của nhân vật, để truyền tải thông điệp về tình mẫu tử, sự gắn kết yêu thương giữa những thành viên trong gia đình trước rất nhiều biến cố của cuộc đời.
Cũng từ diễn biến xuyến suốt của mạch phim, khán giả sẽ nhận ra dù trong những thời đại khác nhau, hoàn cảnh không tương đồng như nhau, tình cảm mẹ dành cho các con vẫn trọn vẹn và đầy ắp yêu thương như thế. Từ sự hy sinh tần tảo lo lắng cho các con của bà Nga từ bé thơ cho đến khi trưởng thành ở thế hệ trước đến tình thương ôm đồm cũng trọn vẹn của Khánh, một bà mẹ trẻ dẫu còn nhiều thiếu sót nhưng đầy nhẫn nại và hy sinh. Thậm chí, vì tình yêu thương các con, nhân vật Khánh đã bỏ mặc xúc cảm của mình, nhẫn nhịn suốt một thời gian dài trong “vũng lầy” của cuộc hôn nhân nhiều sức ép từ mẹ chồng, chị chồng và cả người chồng nhu nhược, để bảo vệ hạnh phúc trọn vẹn cho Sam và So.
Xây dựng nhân vật Khánh với vô vàn những bi kịch đan cài trong phim, quả thực sẽ khiến khán giả, những người thật tâm yêu thích bộ phim cảm thấy uất ức, thậm chí bị dồn nén. Nhưng nếu không xuất hiện những tình tiết cao trào trước và sau ly hôn của Khánh như một phản chiếu cụ thể, chúng ta sẽ không có cơ sở thấu hiểu sâu sắc về quá trình vượt qua biết bao rào cản tinh thần, để tiếp tục tình yêu thương hoàn hảo dành cho các con của nhân vật này. Nhìn rộng ra, trong cuộc sống thường nhật, có biết bao người phụ nữ, sau khi hôn nhân tan vỡ phải ngày ngày đấu tranh với biết bao áp lực đời sống và định kiến xã hội để tiếp tục chăm sóc và yêu thương các con một cách trọn vẹn hơn.
Cũng bởi không phải ai trong xã hội cũng có cái nhìn bao dung và thấu hiểu với một người phụ nữ khi hôn nhân của họ tan vỡ. Thậm chí, một số người xấu tính, kể cả đàn ông và phụ nữ, như trường hợp của tên Huấn, sếp của Khánh trong phim, còn cố tình miệt thị, giày xéo và gây thêm nhiều nỗi đau khác với người phụ nữ khổ sở sau ly hôn. Làm mẹ đơn thân chưa bao giờ là một điều dễ dàng với bất kỳ ai.
Độc giả Trần Kim Hà